Xây dựng Quỹ khẩn cấp bao nhiêu là đủ để có thể đảm bảo an tâm tài chính cho gia đình bạn? Cùng tìm câu trả lời với bài viết này của MMS nhé.
Tại bài viết trước mình đã chia sẻ với mọi người lý do tại sao gia đình bạn cần phải có Quỹ khẩn cấp, làm thế nào để xây dựng Quỹ khẩn cấp và để Quỹ khẩn cấp ở đâu cho hợp lý? Nếu mọi người chưa đọc thì mời đọc lại bài viết đó của mình tại đây nhé.
Mặc định bạn đọc đến đây là đã hiểu tầm quan trọng của Quỹ khẩn cấp.
Một câu hỏi khác đặt ra đó là bao nhiêu tiền cho Quỹ khẩn cấp là đủ? 3 tháng? 6 tháng hay 12 tháng? Liệu có phải lúc nào bỏ càng nhiều càng tốt vào Quỹ khẩn cấp cũng là tốt?
Câu trả lời của mình là:
Số tiền bao nhiêu cho Quỹ khẩn cấp tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng của từng gia đình, các nguồn thu nhập cũng như gánh nặng chi phí của riêng mỗi gia đình. Tiêu chí để lựa chọn số tháng tiết kiệm để riêng cho Quỹ khẩn cấp của mỗi gia đình sẽ được đo lường bằng độ “rủi ro” riêng của mỗi gia đình.
Khái niệm “tháng” ở đây được hiểu là toàn bộ chi phí cần thiết giúp gia đình bạn sinh sống trong vòng một tháng. Chi phí cần thiết không phải chi phí mong muốn nên sẽ không bao gồm việc ăn hàng, đi du lịch, đi spa làm đẹp, mua đồ chơi cho con, … gì hết nhé. Như vậy trước khi quyết định mình sẽ “để dành” bao nhiêu tháng chi phí của gia đình, chắc chắn rằng bạn phải nắm rõ toàn bộ chi phí CẦN của gia đình bạn trong một tháng là bao nhiêu.
Mình cũng muốn phân tích cho mọi người lý do tại sao không phải cứ để dành càng nhiều tiền hoặc tương đương tiền là càng tốt cho Quỹ khẩn cấp? Nếu muốn an toàn tại sao không để dành hẳn 12 tháng đi?
Lý do đến từ việc “sinh lời”. Quỹ khẩn cấp thường sẽ được ưu tiên để dưới dạng “lỏng” nhất – tức là có khả năng quy đổi về tiền mặt nhanh nhất – cụ thể là dưới dạng tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng.
Vì vậy không thể kì vọng gì nhiều ở tính sinh lời của Quỹ khẩn cấp.
Ví dụ như gia đình mình quyết định để 6 tháng chi phí sinh hoạt hàng tháng (20 triệu đồng/tháng) cho vợ chồng và hai con nhỏ, như vậy, mình có 6 * 20 = 120 triệu đồng cho Quỹ khẩn cấp. Nếu mình để 12 tháng cho Quỹ khẩn cấp, con số đó sẽ trở nên “rất lớn” thành 240 triệu đồng.
Khi đó, thời gian và công sức của gia đình mình để tiết kiệm đủ được 240 triệu đồng sẽ rất nhiều. Hơn nữa, nếu để toàn bộ 240 triệu đồng vào các kênh ít sinh lời như trên thì sẽ rất “thiệt thòi” và không mang lại nhiều lợi nhuận.
Tiếp theo là tại sao mình không quy đổi về tiền khi nói đến việc xây dựng Quỹ khẩn cấp. Tại sao không phải là cần để dành 30 triệu, 50 triệu hay 100 triệu cho Quỹ khẩn cấp mà lại đưa ra theo tiêu chí số tháng chi phí?.
Câu trả lời rất đơn giản là chi phí sinh hoạt của mỗi gia đình không bao giờ giống nhau. Vì vậy, không thể đưa ra một con số mang tính chính xác tuyệt đối như vậy được.
Sau khi tính toán chính xác số tiền gia đình bạn cần để sinh sống trong vòng một tháng, chúng ta sẽ nhân với một số tháng cụ thể để xác định ra giá trị Quỹ dự phòng khẩn cấp cần xây dựng.
Vậy nhân 3, nhân 6 hay nhân 12?
Mình sẽ trả lời cụ thể cho mọi người ở nội dung bên dưới nhé!
1. Xây dựng Quỹ khẩn cấp tương đương 3 tháng chi phí sinh hoạt
Trường hợp này sẽ dành cho những gia đình có rủi ro thấp và đáp ứng các tiêu chí như sau:
- Khi gia đình bạn có sức khỏe và lối sống lành mạnh
Việc bạn dành thời gian lên thực đơn, xây dựng các bữa ăn có giá trị dinh dưỡng và tự nấu ăn ở nhà cũng sẽ quyết định một phần đến sức khỏe của tất cả các thành viên trong gia đình. Tham khảo công cụ xây dựng thực đơn, quản lý chi tiêu cho ăn uống gia đình của MMS tại đây.
Việc rèn luyện sức khỏe thường xuyên cũng giúp gia đình bạn duy trì sức khỏe và khiến rủi ro gặp phải về vấn đề sức khỏe đối với gia đình bạn được giảm thiểu hơn (tất nhiên là không có gì là tuyệt đối).
Mách nhỏ cho các chị em thích tập Yoga và vẫn muốn tiết kiệm tiền thì có thể học miễn phí qua Kênh Youtube nổi tiếng này tại đây nha.

- Gia đình bạn đang không vay nợ
Tất nhiên rồi, khi gia đình bạn “debt – free” gánh nặng chi phí sẽ giảm thiểu một cách đáng kể.
Mình là một hình mẫu của việc theo đuổi phong cách không vay nợ vì cảm giác thoải mái về mặt tài chính nó mang lại cho gia đình mình.
Tất nhiên việc lựa chọn có vay nợ hay không phụ thuộc vào mỗi gia đình.
Nhưng nếu gia đình bạn có đang vay nợ, hãy nâng mức dự trữ cho Quỹ khẩn cấp của gia đình lên một chút.
- Thu nhập của gia đình bạn không dễ bị ảnh hưởng
Bạn hay người bạn đời của bạn có một vị trí công việc khá vững chắc, khó bị thay thế (bạn là CEO, sếp lớn hoặc có chuyên môn, năng lực cao). Nếu có rủi ro bị thay thế (dù rất thấp), với khả năng của chính bản thân mình, bạn sẽ dễ dàng tìm được việc mang lại thu nhập tương đương trong thời gian rất ngắn (dưới 1 tháng).
Hoặc gia đình bạn có rất nhiều nguồn thu nhập. Ngoài thu nhập từ lương, gia đình bạn còn có tiền từ cho thuê nhà (thậm chí là tiền cho thuê từ nhiều căn nhà), tiền từ làm thêm dự án, tiền từ đi dạy thêm cuối tuần, tiền từ cổ tức, lãi trái phiếu, …
Mình đã bàn nhiều đến tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thu nhập. Mọi người có thể đọc thêm các bài viết tại chuyên mục tăng thu nhập của mình tại đây.
Việc thu nhập của gia đình mình không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài sẽ là một trong những lý do bạn có thể tự tin quyết định hạ mức tích lũy cho Quỹ khẩn cấp của gia đình mình chỉ còn 3 tháng.
- Bạn đã có những biện pháp khác bảo vệ rủi ro cho gia đình
Cụ thể ở đây bạn đã mua bảo hiểm nhân thọ và/hoặc bảo hiểm sức khỏe cho cả gia đình. Nếu bạn chưa mua có thể đọc thêm bài viết này của mình tại đây để hiểu hơn về hai loại bảo hiểm này. Tất nhiên việc mua bảo hiểm cũng không có nghĩa là bạn không cần dành tiền cho Quỹ khẩn cấp.
2. Xây dựng Quỹ khẩn cấp tương đương 6 tháng chi phí sinh hoạt
Đây là mức phù hợp cho những gia đình có rủi ro ở mức trung bình.
Sau khi cân đo đong đếm, mình quyết định xếp gia đình mình ở mức rủi ro trung bình. Thực ra xét trên nhiều phương diện gia đình mình đáp ứng được các tiêu chí ở trên và có thể chỉ cần để dành 03 tháng cho Quỹ khẩn cấp. Nhưng do mình thuộc tuýp “rủi ro thấp” nên mình vẫn quyết định để dành 6 tháng cho Quỹ khẩn cấp.
Vậy những trường hợp nào bạn cần cân nhắc để dành 6 tháng cho Quỹ khẩn cấp của gia đình?
- Gia đình bạn đang vay nợ
Mình nhắc lại là cho dù gia đình bạn có đang vay nợ, bạn vẫn nên song song vừa trả nợ vừa xây dựng Quỹ khẩn cấp. Hay nói cách khác, khi gia đình mình đang vay nợ, tầm quan trọng của Quỹ khẩn cấp lại càng thể hiện rõ ràng hơn.

Ví dụ ở trường hợp xấu nhất, bạn không có khả năng trả nợ, có nguy cơ bị Ngân hàng “xiết nợ”? bạn không còn thu nhập để trả nợ? con cái bạn sẽ ở đâu? Bạn sẽ làm gì trong tình huống này?
Quỹ khẩn cấp cho phép bạn còn một chút tiền để lo cho gia đình và dành thời gian tìm kiếm công việc mới để xử lý mớ “bòng bong” đang xảy ra đối với gia đình bạn.
- Căn nhà duy nhất gia đình bạn đang ở có tình trạng không tốt
Ở trường hợp này, gia đình bạn vẫn sở hữu một căn nhà. Điều này làm rủi ro của gia đình bạn bớt đi ít nhiều. Nhưng căn nhà này tương đối cũ và có thể bạn bắt buộc phải sửa sang, cải tạo lại để đảm bảo cho sinh hoạt của gia đình.
- Sức khỏe của gia đình bạn có “tiềm ẩn” yếu tố rủi ro
Con của bạn có thể trạng không tốt, bé thường xuyên đau ốm và phải thăm khám bác sĩ. Nếu con bạn hay phải phát sinh chi phí khám chữa bệnh, đừng quên cân nhắc phương án mua bảo hiểm sức khỏe. Mình có gợi ý bảo hiểm VBI (mình đang tham gia cho Thỏ, Cún hàng năm). Mọi người có thể tìm link tại đây.
Hai vợ chồng không duy trì chế độ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên hoặc thường xuyên phải tham gia các cuộc nhậu (vì lý do công việc hoặc vì lý do sở thích).
Có khá nhiều yếu tố dẫn đến việc sức khỏe của gia đình bạn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Ngoài việc khuyên bạn nâng mức dự trữ cho Quỹ khẩn cấp lên ít nhất 6 tháng, mình cũng khuyên bạn xem xét lại chế độ ăn uống, vận động và nghỉ ngơi của cả gia đình. “Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh” – các cụ đã nói rồi đúng không nào?
- Thu nhập của gia đình có khả năng bị ảnh hưởng
Điều này có thể đến từ việc gia đình mình chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất (chỉ có vợ hoặc chồng đi làm nuôi cả nhà).
Hoặc công việc của vợ chồng bạn trong trạng thái “không ổn định” như: bán hàng online, làm việc tự do, làm việc theo dự án, … dẫn đến mức thu nhập của gia đình bạn trồi sụt mỗi tháng.

3. Xây dựng Quỹ khẩn cấp tương đương 12 tháng chi phí sinh hoạt
Với cá nhân mình đây là mức để dành quá cao và có thể nó không quá cần thiết.
Bạn sẽ cần đến 12 tháng cho Quỹ khẩn cấp nếu như gia đình mình có đặc thù hay phải thay đổi công việc và/hoặc thay đổi chỗ ở thường xuyên.
Hoặc bạn sắp có một sự thay đổi lớn về mặt công việc và ảnh hưởng đến nguồn thu của gia đình.
Ví dụ, hai vợ chồng bạn sẽ bắt đầu một dự án kinh doanh đã ấp ủ khá lâu rồi trong thời gian tới. Ai cũng biết rằng bất kì công việc kinh doanh nào cũng cần thời gian để có doanh thu, lợi nhuận và thu hồi vốn. Trong giai đoạn đó, bạn cần chắc rằng việc ăn học của các con bạn không bị ảnh hưởng bằng việc để sẵn một khoản dự trữ lên đến 12 tháng.
Hoặc đơn giản thế này … gia đình bạn có “quá nhiều tiền” và lại thuộc tuýp ưa thích sự an toàn. Việc dành 12 tháng cho Quỹ khẩn cấp có thể là một cách giúp bạn cảm thấy an tâm hơn để tiếp tục làm việc cũng như hưởng thụ cuộc sống.
Kết luận:
Sau khi đã nghiên cứu rất nhiều các trường hợp, mình cho rằng ở một điều kiện bình thường, các gia đình đều nên duy trì cho mình 06 tháng chi phí cho Quỹ khẩn cấp. Đây được xem là mức vừa đủ, không quá ít và không quá nhiều.
Nếu gia đình bạn đang vay nợ quá nhiều (đặc biệt là những khoản vay nợ có lãi suất cao – kiểu cho vay nặng lãi ấy), hãy song song việc trả nợ và xây dựng Quỹ khẩn cấp. Dành ít nhất 3 tháng cho Quỹ khẩn cấp. Hãy luôn nhớ rằng sau lưng bạn là cả gia đình. Dù trong bất kì phương án tài chính nào, bạn vẫn cần đảm bảo tài chính vừa đủ để chu cấp cho các con.
Nếu gia đình bạn ở trạng thái kinh tế trung bình không có quá nhiều nhiều cần lưu ý, hãy quyết tâm xây dựng “cho xong” 6 tháng chi phí để vào Quỹ khẩn cấp trước khi tính đến làm bất kì việc nào khác với tiền của gia đình mình như: tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn (đi học bồi dưỡng thêm kiến thức, đi du lịch, …) hoặc dùng tiền mua bảo hiểm hay đầu tư chứng khoán, BĐS nhé!
Nếu bạn thấy nội dung bài viết hữu ích, cân nhắc mời mình và team MMS một tách trà tại đây nhé. Bạn cũng có thể để lại comment chia sẻ nếu còn gì thắc mắc hoặc muốn đóng góp ý kiến thêm.
Chúc mọi người nhiều sức khỏe và luôn an tâm về tài chính với Quỹ khẩn cấp.