Bài viết này mình sẽ cùng chị em “du lịch qua Nhật Bản” để học bí quyết tiết kiệm tiền của người Nhật với phương pháp quản lý chi tiêu Kakeibo “thần thánh”.
Người Nhật, đặc biệt là phụ nữ Nhật Bản có những bí quyết tiết kiệm tiền gì mà khiến cả thế giới phải nể trọng, ngưỡng mộ như vậy?
Chúng ta sẽ cùng tìm câu trả lời trong bài viết này của MMS nhé!
1. Để biết bí quyết tiết kiệm tiền của người Nhật trước hết hãy cùng nhau tìm hiểu một số “đặc điểm” của Nhật Bản và phụ nữ Nhật Bản nhé:
Tại Nhật Bản, đặc biệt tại các thành phố lớn, giá bất động sản rất đắt đỏ và không khó để tìm thấy những căn nhà có diện tích “siêu nhỏ”. Một phần xuất phát từ đặc điểm đó mà người Nhật rất chuộng lối sống tối giản và đề cao nghệ thuật của sự sắp xếp.
Thời gian vừa rồi mình đã dành thời gian đọc hai quyển sách cũng khá “kinh điển”, một quyển về lối sống tối giản của người Nhật (mua tại đây), một quyển về nghệ thuật sắp xếp – dọn nhà cùng Marie Kondo (hiện tại mình chưa tìm được link, có lẽ sách không tiếp tục tái bản) và cảm thấy khá “ngấm”.
Có rất nhiều nội dung hay ho trong hai quyển sách đó nhưng tựu chung lại đó là người Nhật đề cao sự đơn giản và họ chỉ sở hữu những món đồ thực sự “có ý nghĩa” đối với bản thân và gia đình. Hai quyển sách này mình khuyến khích chị em nên dành thời gian đọc nhé.
Đặc điểm thứ hai đó là phụ nữ Nhật Bản phần lớn ở nhà và chịu trách nhiệm quản lý tài chính cho gia đình. Điều này chưa thực sự đúng với xã hội Việt Nam.
Tại Việt Nam, phần lớn chị em phụ nữ chúng ta đều là những phụ nữ “hai giỏi” – “giỏi việc nước đảm việc nhà” vì vậy phụ nữ Việt Nam chúng ta có thể coi là “siêu hơn” phụ nữ Nhật Bản ấy. Tuy nhiên, các bạn Nhật còn rất nhiều điều đáng để chúng ta học hỏi nhé.
Một đặc điểm nữa là Nhật Bản vẫn là xã hội coi trọng tiền mặt. Việc sử dụng tiền mặt tất nhiên đi ngược lại với xu thế 4.0 (chi tiêu không dùng tiền mặt). Nhưng lại là một cách khá hay giúp quản lý chi tiêu tránh khỏi thói quen lạm dụng thẻ tín dụng.

Đồng thời việc sử dụng tiền mặt sẽ giúp chúng ta cảm thấy có trách nhiệm với việc chi tiêu hơn (cái này chủ yếu đánh vào mặt tâm lý). Chúng ta sẽ dễ dàng mua sắm một món nào đó chỉ bằng mấy thao tác đơn giản chuyển khoản trên app điện thoại nhưng sẽ không dễ dàng rút tiền mặt ra khỏi ví.
Quá chuẩn luôn đúng không nào?
2. Phụ nữ Nhật Bản đề cao sự tiết kiệm và tiêu dùng thông thái
Một trong những lý thuyết được xem là “kinh điển” của quản lý tài chính cá nhân, nghe có vẻ hết sức đơn giản nhưng thực hiện lại không hề dễ dàng đó là: “Luôn chi tiêu dưới mức mình kiếm được”.
Vậy chị em phụ nữ Nhật Bản, họ đã làm như thế nào?
Thứ nhất với xã hội vẫn còn coi trọng tiền mặt, sẽ khiến họ tránh khỏi các bẫy vay thẻ tín dụng để chi tiêu.
Thứ hai để chi tiêu dưới mức thu nhập, khoan hãy nói đến việc kiếm thêm thu nhập (điều mà phụ thuộc vào người đàn ông – tức là vượt qua tầm kiểm soát của mẹ Nhật), bí quyết của mẹ Nhật đó là TIÊU DÙNG THÔNG MINH.
Khái niệm tiêu dùng thông minh sẽ tùy thuộc vào phong cách sống của mỗi gia đình. Mọi người có thể tìm hiểu hai đầu sách mình đã giới thiệu bên trên để hiểu rõ hơn nhé.
Một phần nhà cửa có diện tích đủ sống, không quá rộng, một phần đa phần người Nhật theo đuổi lối sống tối giản nên phụ nữ Nhật chỉ mua sắm vừa đủ dùng, không có tư duy tích trữ.

Với cá nhân mình trước đây mình cũng rất hay có tư duy tích trữ. Ví dụ mua kem đánh răng phải mua hẳn lố 20 tuýp, mua nước giặt cũng phải mua cả thùng. Đúng là nếu mua như vậy sẽ giúp mình tiết kiệm thêm được một “xíu xiu”. Nhưng thực sự không gia gia đình mình lại phải gánh thêm một diện tích không nhỏ cho việc tích trữ. Ngoài ra, gia đình mình sẽ phải mất đến hàng năm mới tiêu dùng hết đám hàng hóa tích trữ.
Chưa kể chưa kịp sử dụng đến tuýp kem đánh răng thứ 20 hay túi nước giặt cuối cùng trong thùng thì không khéo đã hết hạn. Như vậy là tưởng tiết kiệm mà hóa ra lại là lãng phí.
3. Cùng tìm hiểu về phương pháp quản lý chi tiêu gia đình Kakeibo – bí quyết tiết kiệm tiền của người Nhật
Vậy là chúng ta cũng đã hiểu kha khá về phụ nữ Nhật rồi. Phần này mình sẽ giới thiệu cho mọi người phương pháp Kakeibo. Mặc dù đến thời điểm hiện tại đã có rất nhiều phương pháp quản lý tài chính cá nhân/gia đình hiện đại hơn thay thế nhưng tỷ lệ gia đình người Nhật sử dụng Kakeibo vẫn cực kỳ phổ biến.
Vậy Kakeibo là gì?
Lý do tại sao Kakeibo đã vươn xa khỏi nước Nhật và trả nên nổi tiêng trên toàn thế giới?
- Lịch sử ra đời của phương pháp Kakeibo
Quy tắc quản lý tài chính Kakeibo được viết bởi nhà báo Hani Motoko vào năm 1904 trên một cuốn tạp chí dành cho phụ nữ và được sử dụng rộng rãi trong Nhật Bản. Bà Hani Motoko được xem là nhà báo nữ đầu tiên của Nhật.
Phương pháp Kakeibo còn được biết đến với một số tên gọi khác như: sổ tay Kakeibo, sổ chi tiêu Kakeibo.
Chỉ đến năm 2018 khi nhà văn Fumiko Chiba xuất bản tựa sách ““Kakeibo: The Japanese Art of Saving Money”, Kakeibo mới thực sự vươn tầm thế giới. Quyển sách này cũng đã được dịch ra Tiếng Việt và mọi người có thể mua quyển sách đó tại đây.
- Điều gì khiến Kakeibo trở nên nổi tiếng?
Thực ra nguyên tắc của Kakeibo rất đơn giản, không có gì là quá phức tạp cả. Đây không phải là một phương pháp quản lý tài chính gì sâu xa mà chủ yếu đánh vào tâm lý tiêu dùng, đề cao sự tiết kiệm và giảm chi phí không cần thiết.
Đến thời điểm hiện tại, phụ nữ Nhật Bản vẫn rất chuộng quản lý chi tiêu trong gia đình “bằng tay”. Hay nói cách khác là sử dụng bút, ghi chép chi tiêu vào sổ.
Tại sao họ chọn việc ghi bằng tay – được xem là một trong những cách đơn giản nhất nhưng cũng không thuận tiện nhất?
Bởi vì khi chúng ta ghi chép bằng tay, từ tay sẽ truyền đến não bộ, phần nào giúp chúng ta chi tiêu một cách “có định hướng hơn” – tức là việc quản lý chi tiêu sẽ giúp ghi sâu vào tâm trí hơn. Trong Tiếng Anh có cụm từ là “be mindful with your spending”. Điều này giúp hạn chế tình trạng mua sắm theo cảm xúc, thừa thãi, không cần thiết – một trong những tác nhân chính gây ảnh hưởng xấu nên tài chính gia đình.
Thực ra với mình, mình không chọn quản lý chi tiêu tài chính gia đình bằng tay. Mình đang sử dụng công cụ Excel tự thiết kế (giải quyết được hài hòa tất cả mọi vấn đề). Mọi người có thể tham khảo và sử dụng công cụ quản lý tài chính chi tiêu tối ưu của MMS tại mục Công cụ quản lý tài chính tại đây.
Nhưng nói chung, không quan trọng bạn dùng công cụ gì (ghi tay, dùng app, dùng excel, …), chỉ quan trọng là bạn có quản lý tài chính gia đình thôi nhé.
Một triết lý tiếp theo khiến Kakeibo trở nên nổi tiếng đó là đề cao sự tiết kiệm. Không quan trọng trong tháng bạn thu gì, bạn chi gì, quan trọng bạn tiết kiệm được bao nhiêu, bạn hiện thực hóa mục tiêu tiết kiệm của gia đình đã đặt ra từ đầu tháng như thế nào và làm thế nào để tiếp tục tiết kiệm được nhiều tiền hơn mỗi tháng.
Mình sẽ cùng tìm hiểu các bước của sổ chi tiêu Kakeibo nhé!
- Các bước để thực hiện phương pháp Kakeibo “pro” như người Nhật
Bước 1: Lên kế hoạch tổng quát theo năm và chia về theo từng tháng
Trước khi bắt đầu hành trình quản lý chi tiêu gia đình hàng tháng, bạn nên có một cái nhìn tổng quát theo năm. Mục tiêu chính là gia đình bạn trong năm nay là gì và mỗi tháng bạn cần làm gì để hiện thực hóa nó.
Đừng quên ghi chú lại những mốc sự kiện quan trọng của gia đình hàng tháng (mà dự kiến sẽ phát sinh nhiều chi phí) để luôn bám sát tình hình của gia đình.
Ví dụ:
- Tháng 4 dự kiến sửa nhà
- Tháng 6 gia đình sẽ có chuyến du lịch nước ngoài khi các con được nghỉ hè -> tháng 6 sẽ là tháng du lịch.
- Tháng 8 có sinh nhật hai con
- Tháng 9 có đám cưới lớn của gia đình
- Tháng 12 hai vợ chồng sẽ bắt đầu một công việc kinh doanh mới
Bước 2: Quyết định mục tiêu tiết kiệm mỗi tháng
Đặt mục tiêu rất quan trọng nhưng mục tiêu này nên thực tế. Nếu bình thường mỗi tháng gia đình bạn chỉ tiết kiệm được 1 triệu đồng, thì không thể đặt mục tiêu 5 triệu được
Mục tiêu này nên ở mức thực tế có thể thực hiện được và nâng dần “tham vọng” lên qua mỗi tháng.
Có một mục tiêu tài chính trong đầu và xem gia đình bạn có đang đi đúng hướng không?
Bước 3: Tổng hợp các nguồn thu nhập trong tháng
Bước 4: Ghi chép chi tiêu
Ghi chép tất cả các chi phí phát sinh trong tháng của gia đình và phân chia ra làm 03 hạng mục chính như sau:
- Chi phí cần thiết (ăn uống, tiền học, tiền thuê nhà, điện nước xăng xe điện thoại,…)
- Chi phí mong muốn (ăn hàng, đi chơi, mua đồ chơi cho con, …)
- Chi phí bất ngờ (sửa chữa xe cộ, nhà cửa, thuốc men, …)
Mấu chốt của việc phân chia chi phí này nằm ở chỗ bạn cần phải phân biệt giữa chi phí cần và muốn. Cụ thể gia đình bạn cần phải ăn nhưng ăn tại một nhà hàng sang trọng thì đó lại là muốn.
Gia đình bạn cũng luôn cần dự phòng một số tiền phòng cho việc chi tiêu các chi phí bất ngờ phát sinh.

Bước 5: Tổng kết và đánh giá
Vào cuối tháng, bạn sẽ “tự vấn” bản thân mình bằng 04 câu hỏi như sau:
Bạn đã đạt được mục tiêu tiết kiệm vào tháng này không?
Bạn tiêu quá nhiều tiền trong tháng vào đâu?
Ví dụ, nếu mua quá nhiều quần áo cho mấy mẹ con, hãy tìm cách “tối giản tủ quần áo” sao cho mặc đẹp mà vẫn tiết kiệm.
Bạn tìm được những cách nào để tiết kiệm tiền?
Chi quá nhiều tiền cho việc ăn uống (cụ thể là ăn hàng). Tìm cách cải thiện bằng cách lên kế hoạch đi chợ cho cả tuần, mang cơm từ nhà đi ăn trưa ở văn phòng. Bạn có thể tham khảo công cụ lên thực đơn, đi chợ cho cả tuần, kiểm soát chi tiêu ăn uống do team MMS thiết kế tại đây.
Mua quá nhiều sách truyện cho con, hãy tạm dừng việc mua sách cho con lại và đọc hết những quyển có trong nhà.
Tối giản khi có con nhỏ luôn là một việc khó làm. Nếu bạn là một bà mẹ đang có con nhỏ có thể đọc hai bài viết mình chia sẻ về nội dung này (phần 1 tại đây và phần 2 tại đây).
Bạn thay đổi điều gì trong tháng sau?
Hãy suy nghĩ về việc mà bạn muốn cải thiện vào tháng sau.
Thậm chí ghi một vài lời động viên cho bản thân để tiếp tục cố gắng.
Trong quyển sách “Kakeibo – nghệ thuật tiết kiệm tiền của người Nhật” (link mua tại đây) có kha khá nhiều câu nói truyền cảm hứng.
Cuốn này mình không khuyến nghị chị em mua. Chị em cân nhắc nhé.
Mình xin phép trích dẫn lại ở đây một câu nói mà mình khá tâm đắc của triết gia Lão Tử “Hành trình ngàn dặm cũng bắt đầu từ bước đầu tiên”. Câu nói này luôn trở thành động lực cho mình mỗi khi cảm thấy mệt mỏi để có thể kiên trì, bền bỉ bước tiếp trên con đường chinh phục tự do tài chính cho gia đình.
Kết luận:
Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về cách phụ nữ Nhật Bản tiết kiệm tiền và biết thêm về phương pháp Kakeibo. Tất nhiên việc quản lý tài chính gia đình thủ công có thể khá bất tiện. Và sổ Kakeibo cũng không phải một “giải pháp tổng thể” giúp quản lý tài chính gia đình. Bạn có thể đọc thêm các bài viết khác của mình về quản lý tài chính gia đình tại chuyên mục cùng tên tại đây.
Nhưng Kakeibo lại rất đơn giản, dễ thực hiện. Vì vậy nó cực kỳ phù hợp với những người mới bắt đầu biết đến khái niệm quản lý tài chính gia đình và muốn hình thành thói quen tiết kiệm.
Hãy bỏ qua tất cả những suy nghĩ cản trở bạn đến việc quản lý tài chính gia đình và bắt đầu học ngay cách tiết kiệm tiền của người Nhật nhé!
Mời các mẹ ghé thăm Facebook Group “Money Mom Sharing – Tài chính cá nhân cho mẹ Việt” của mình tại đây để có cơ hội chia sẻ, giao lưu với các mẹ khác cùng có niềm quan tâm đến tiết kiệm, tối giản, tối ưu tài chính.
Đừng quên để lại email để được nhân bản tin miễn phí hàng tuần của MMS về các chủ đề chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và tăng thu nhập dành riêng cho phụ nữ nhé ❤️