review sách tuần làm việc 4 giờ

Cùng MMS review sách Tuần làm việc 4 giờ (Tim Ferris) với 16 bài học giúp làm việc hiệu quả, năng suất hơn

Bài viết này mình sẽ review sách Tuần làm việc 4 giờ (làm việc 4 giờ/tuần thay vì 48 giờ/1 tuần và gia nhập nhóm New Rich) của tác giả Tim Ferris.

Đây là một cuốn sách khá thú vị, mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ về khái niệm “Làm việc hiệu quả thay vì làm việc chăm chỉ” (Work Smarter – Not Harder). Khi bạn làm việc một cách “tỉnh thức”, bạn sẽ sớm gia nhập nhóm “New Rich” (những người giàu có thế hệ mới), làm chủ tài chính, thời gian và cho phép mình có những chuyến nghỉ hưu ngắn “Mini – Retirement” thay vì chờ đến khi già mới có thể sống cuộc sống của mình (mà có thể không còn cơ hội trải nghiệm vì sức khỏe không cho phép).

1 – Tìm một thị trường trước khi thiết kế sản phẩm tốt hơn điều ngược lại

Tim Ferris phát hiện ra chân lý này trong một lần thực hiện một buổi hội thảo về đọc nhanh từ khi anh ấy còn là sinh viên. Tim Ferris chăng đầy kí túc xá sinh viên với hàng trăm đèn quảng cáo nê ôn màu xanh lá cây có ghi “HÃY TĂNG TỐC ĐỘ ĐỌC CỦA BẠN LÊN BA LẦN SAU BA GIỜ”. Việc bán được 32 chỗ cho buổi hội thảo kéo dài ba giờ với giá 50 đô la/chỗ và 533 đô la trong một giờ đã thuyết phục anh ấy về việc nên tìm kiếm nhóm sinh viên có nhu cầu đọc nhanh trước khi thực sự bắt tay vào tổ chức hội thảo.

Phần lớn chúng ta thường có xu hướng làm ngược lại.

Chẳng hạn mình được biết khá nhiều người bạn của mình là những chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định nào đó, họ bỏ rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để xây dựng nên những chương trình đào tạo có rất nhiều nội dung mà họ nghĩ rằng khách hàng, thị trường sẽ có nhu cầu.

Nhưng họ lại không bỏ thời gian để thực sự nói chuyện với nhóm khách hàng tiềm năng của họ và nghiên cứu khách hàng cần gì.

Kết quả là vì nội dung chương trình đào tạo đó không đánh trúng vào nhu cầu thực sự của khách hàng nên mọi nỗ lực xây dựng của những người bạn mình như “muối bỏ bể”.

Rất lãng phí nguồn lực mà không hề có hiệu quả.

2 – Hãy tập trung để trở thành một người làm việc hiệu quả hơn là một người bận rộn

Chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái bận rộn “ảo”, làm những việc không tên, không mang lại hiệu quả.

review sách tuần làm việc 4 giờ
bận rộn không có nghĩa là hiệu quả

Với mình đó có thể là việc mình dành rất nhiều thời gian vào “trang trí” bộ mặt của website Money Mom Sharing thay vì dành thời gian viết bài blog mang lại nội dung chất lượng cho độc giả. Về sau mình đã cân bằng và tập trung vào bài viết chất lượng (bài này là một ví dụ chẳng hạn). Mọi người có thể đọc thêm các bài viết chất lượng khác tại đây.

Một chiếc website đẹp không thể thay thế được nội dung hữu ích (mặc dù kết hợp được cả hai yếu tố là tốt nhất nhưng để làm việc hiệu quả chúng ta cần biết sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên).

Hoặc là mình đã từng hay rơi vào trạng thái làm mỗi việc một chút, mỗi ngày làm một tí nhưng không dứt điểm dẫn đến không hoàn thành xong một đầu việc nào.

Ví dụ như bài viết này nếu mình tập trung mình chỉ mất 2 tiếng để xong và post lên website nhưng mỗi ngày mình mở ra và viết được 300 từ xong mình lại để đó, hôm sau viết tiếp 300 từ nữa thì mình mất khoảng … 10 ngày để hoàn thành một bài viết blog.

Có hai điều tác giả nhắc nhở chúng ta:

(1) Làm tốt một việc không quan trọng sẽ không làm cho việc đó trở nên quan trọng hơn.

(2) Một công việc đòi hỏi nhiều thời gian sẽ không làm cho nhiệm vụ đó quan trọng hơn.

3 – Không bao giờ có các điều kiện hoàn hảo

Căn bệnh “Một ngày nào đó” sẽ “giết chết” bạn và ước mơ của bạn. Nếu bạn thấy việc nào đó quan trọng và “thực sự” muốn làm ngay thì hãy làm và tự điều chỉnh sai sót trong quá trình thực hiện.

Chẳng hạn một số chị em phụ nữ trong Facebook Group “Money Mom Sharing – Tài chính cá nhân cho mẹ Việt” (mọi người có thể ghé thăm tại đây) thường khá e ngại việc quản lý sắp xếp tài chính cá nhân. Mặc dù mọi người đều biết rằng mình cần phải “quy hoạch, dọn dẹp” lại tài chính để mọi thứ rõ ràng và khoa học hơn. Nhưng phần lớn đều bị hạn chế bởi suy nghĩ việc này quá khó hoặc quá mất thời gian nên đã từ bỏ ngay từ khi chưa bắt đầu.

Sau khi được mình thuyết phục về tầm quan trọng quản lý tài chính đồng thời đã sử dụng công cụ Quản lý tài chính được thiết kế độc quyền bởi team MMS (bạn có thể tham khảo tại đây) thì mọi người đều đã đồng ý rằng việc lập kế hoạch tài chính không quá khó như vẫn nghĩ.

Như vậy nếu trì hoãn không làm, chờ đến “một ngày nào đó”, chắc hẳn chuỗi ngày chi tiêu mất kiểm soát, tiền tháng nào tiêu hết tháng đó (mà không biết tiêu đi đâu) sẽ không bao giờ chấm dứt.

Tương tự với chuyện một người phụ nữ U40 (chính là mình) – một người không có chút nền tảng, kỹ năng kiến thức gì về “digital marketing” đã tự mày mò xây Kênh Youtube (xem và đăng ký Kênh tại đây) và Podcast (nghe và follow Podcast tại đây) Money Mom Sharing một mình. Nếu mình tiếp tục chờ đợi đến “thời điểm hoàn hảo” chắc hẳn khi sang đến U50 giấc mơ có Kênh Youtube và Podcast cho riêng mình vẫn còn bỏ ngỏ. Thực tế là khi bắt tay vào làm rồi thì mới thấy việc không khó như mình vẫn nghĩ và mình hoàn toàn có thể tìm cách cải thiện và ngày một tiến bộ hơn mỗi ngày.

4 – Mỗi người đều giỏi một số lĩnh vực còn một số lĩnh vực khác thì không

Sẽ hiệu quả hơn (và vui hơn nhiều nữa) nếu bạn phát huy những lợi thế thay vì cố gắng khắc phục hết những điểm yếu của mình.

Chẳng hạn, mình có thế mạnh là sáng tạo, tìm kiếm ý tưởng nhưng không quá mạnh trong các con số, tính toán và thiết kế File excel. Các công cụ quản lý tài chính siêu tiện ích, siêu bắt mắt đóng dấu độc quyền của MMS là do mình lên ý tưởng, review nhưng người thực hiện trực tiếp là Vy (một người đồng nghiệp cũ của mình đang cùng mình xây Money Mom Sharing – Tài chính cá nhân cho phụ nữ đồng thời cũng là admin của Facebook Group MMS).

Không có ai là hoàn hảo cả. Đừng ép mình phải giỏi tất cả mọi thứ mà tập trung vào điểm mạnh của mình, tìm kiếm sự giúp đỡ ở những thứ mà mình chưa làm tốt.

Điều đó sẽ giúp nhân năng suất, hiệu quả làm việc của bạn lên rất rất nhiều lần.

5 – Thu nhập tương đối quan trọng hơn thu nhập tuyệt đối

Dưới đây là ví dụ Tim Ferris đưa ra để chứng minh điều đó:

Jane kiếm 100.000 đô la/năm và làm việc 80 giờ/tuần (tức là mỗi ngày làm 11 tiếng không nghỉ ngày nào). Như vậy Jane kiếm được 25 đô la/giờ.

Trong khi đó John kiếm được 50.000 đô la/năm nhưng chỉ làm việc 10 giờ/tuần. Như vậy Jone kiếm được 100 đô la/giờ.

Xét về thu nhập tuyệt đối, John chỉ bằng một nửa Jane.

Nhưng xét về thu nhập tương đối, John giàu cấp 4 lần Jane.

Bạn thấy đấy! Nếu bạn làm việc đến kiệt sức để theo đuổi một mức lương cao chưa chắc bạn đã giàu bằng một người khác có thu nhập ít hơn bạn một chút nhưng thời gian làm việc thấp hơn bạn rất nhiều.

Khái niệm này khá tương đồng với nội dung “tránh các trạng thái cực đoan về tiền bạc” của một cuốn sách mà mình cũng rất yêu thích và đã review tại đây đó là “Tâm lý học về tiền” của Morgan Housel.

Tất nhiên, tác giả cũng khẳng định rằng điều này chỉ đúng với trường hợp thu nhập của bạn không quá thấp, bạn vẫn có một mức thu nhập thoải mái, dư dả để sống một cuộc sống có chất lượng phù hợp. Vì nếu như bạn làm việc 1 tiếng/ngày nhưng mức lương của bạn 3 triệu/tháng thì chắc chắn là “không ăn thua” và bạn không thể gia nhập nhóm “New rich” phải không nào?

6 – Làm điều không thực tế dễ dàng hơn làm điều thực tế

Tim Ferris đã đưa ra một đề bài cho hai nhóm sinh viên trong hai lần anh đến trường Đại học chia sẻ đó là “Liên lạc với ba người dường như không thể liên lạc được đó là J. Lo, Bill Clinton và J.D. Salinger và yêu cầu ít nhất một người trả lời ba câu hỏi bằng một đoạn văn bản”.

Nếu họ thực hiện được thử thách này phần thưởng sẽ là một chuyến du lịch vòng quanh thế giới.

Nhóm sinh viên đầu tiên không làm gì cả vì cho rằng thử thách này quá khó khăn. Bạn có thể tưởng tượng mức độ khó của nhiệm vụ này như kiểu bạn cần phải liên hệ với Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn hay Sơn Tùng – MTP và để họ trả lời bạn trực tiếp vậy!

Trong khi một nhóm sinh viên khác đã vượt qua thử thách trong vòng 48 giờ.

Nhóm đầu có nhiều sinh viên giỏi hơn nhưng họ không làm gì cả. Họ lên đạn, nhưng không bóp cò.

Bạn thấy đấy! Rất ít người dám làm điều khác biệt. Đừng đánh giá quá cao sự cạnh tranh và đánh giá quá thấp bản thân mình.

Hãy cứ thử mạnh dạn làm những điều mà bạn nghĩ mà bạn không thể làm. Bạn giỏi hơn bạn vẫn nghĩ đấy.

Cuộc đời quá ngắn ngủi để “think small” đúng không nào?

review sách tuần làm việc 4 giờ
suy nghĩ lớn – bắt đầu nhỏ và quan trọng là bắt đầu ngay

7 – Tìm hiểu về nguyên lý 80/20 của Pareto và cách thoát khỏi sự kém hiệu quả

Tim Ferris phát hiện ra rằng chỉ có 5 trong số hơn 120 khách hàng, đại lý đem lại 95% doanh thu trong khi anh sử dụng 98% thời gian của mình để theo đuổi số khách đem lại ít doanh thu kia.

Mấu chốt của quy luật 80/20 là tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng (là những việc “ra tiền” và duy trì sức khỏe tinh thần)) để giảm bớt thời gian làm việc và sự “bận rộn ảo”.

Ví dụ:

  • Thay vì kiểm tra email và ngồi bận rộn xóa email mất buổi sáng. Bạn nên dành thời gian đó để viết email, tư vấn cho một khách hàng tiềm năng
  • Thay vì mất thời gian chỉnh sửa thiết kế blog, làm logo, bạn nên tập trung vào phát triển sản phẩm để bán hoặc quảng cáo nó.

8 – Tìm hiểu về quy luật Parkinson

Quy luật này cho thấy sự thần kỳ của thứ gọi là “deadline” (là điều mà khá nhiều dân công sở văn phòng “sợ hãi” thậm chí “ghét bỏ”).

Nếu bạn có 24 giờ để hoàn thành dự án, áp lực thời gian sẽ buộc bạn tập trung và bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi những điều cần thiết nhất.

Nếu bạn có một tuần, bạn hẳn sẽ dành 6 ngày để quan trọng hóa mọi việc lên.

Nếu bạn có cả tháng thì đó có thể là một thảm họa tinh thần.

Sản phẩm cuối cùng của một thời hạn ngắn đều ngang bằng hay thậm chí chất lượng hơn do sự tập trung nỗ lực lớn hơn.

Sức mạnh của deadline là mang đến cho chúng ta sự tập trung. Bí mật ở đây là bạn cần hiểu bản thân mình đừng đặt các deadline quá “dễ dãi”

9 – Đừng thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc

Tim Ferris gợi ý bạn chỉ nên đặt ra nhiều nhất là hai mục tiêu thiết yếu mỗi ngày. Sau đó thực hiện từng mục tiêu riêng biệt, liên tục từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.

Vừa đánh răng vừa nói chuyện điện thoại và trả lời email cùng một lúc không phải là một ý hay.

Vừa ăn vừa lướt web tìm kiếm thông tin và trả lời khách hàng trong cùng một lúc cũng không phải là cách làm mọi việc trở nên hiệu quả hơn.

Bản thân mình thường hay vừa ăn trưa vừa tranh thủ xem một vài Kênh Youtube mà mình yêu thích để học hỏi, phát triển bản thân. Sau một thời gian không biết là mình phát triển bản thân được đến đâu chỉ biết rằng mình thường xuyên bị chứng đau dạ dày hành hạ vì vừa ăn trưa vừa xem Youtube.

10 – Thực hành thói quen đưa ra đề xuất (review sách Tuần làm việc 4 giờ)

Thay vì nói “Tôi không biết”, “Tôi không có ý kiến” và thường xuyên hỏi ý kiến người khác hãy tập thói quen mình là người có tư duy giải quyết vấn đề (“problem – solving”).

Kể cho mọi người nghe hồi xưa thời Đại học mình với một đứa bạn ở nhà trọ hay lười nấu cơm nên buổi trưa hai đứa thường xách xe máy ra khỏi nhà tìm chỗ ăn ăn. Đầu tiên bạn mình sẽ hỏi “Hôm nay tao với mày ăn gì?” Thế là mình trả lời “Không biết. Mày gợi ý xem”. Thế là nó lại nói “Tùy mày. Ăn gì cũng được”. Thế là cứ hỏi qua hỏi lại như vậy, hai đứa mất một tiếng đồng hồ vẫn không ra được khỏi nhà.

Về sau mình quyết định “bứt phá”, mình đề xuất luôn “Hôm nay tao với mày ăn nem chua rán và mì tôm chanh ở cổng trường Việt Đức” (hồi sinh viên mình hay ăn món này lắm không biết giờ còn bán không?), “Hôm nay tao với mày ăn bún ngan, miến trộn, …”. Sau đó thì mọi chuyện được giải quyết. Bọn mình chỉ mất 5 phút để quyết định món ăn thôi.

Bạn thấy đấy! Nếu bạn muốn một công việc nào đó hoàn thành nhanh hơn, ra kết quả sớm hơn, bạn cần phải thực hành thói quen đưa ra đề xuất thay vì nói “I have no idea”.

11 – Hãy bắt đầu tuần lễ “ăn kiêng” thông tin trên mạng xã hội để trau dồi khả năng bỏ qua có chọn lọc

review sách tuần làm việc 4 giờ
“cai” thông tin, tập bỏ qua có chọn lọc

Mặt trái của mạng xã hội là sự dư thừa thông tin. Thật dễ để chúng ta có thể cuốn vào bất kỳ cuộc tranh luận (phần lớn là “vô bổ”), theo dõi các drama (phần lớn “không liên quan”) hoặc hấp thụ các thông tin thừa thãi.

Để tập trung vào việc của mình, nâng cao năng suất lao động, hãy hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội của bạn.

Với cá nhân mình, mình chỉ cho phép bản thân có khoảng hai lần lướt mạng không có định hướng trong ngày. 30 phút vào giờ nghỉ trưa và 30 phút trước khi đi ngủ.

Các thời gian còn lại mình tập trung xử lý công việc và sử dụng Internet là công cụ để tìm kiếm thông tin chứ không phải là “hấp thụ” toàn bộ thông tin trên mạng xã hội một cách không có chọn lọc.

Bạn thử xem? Rất có ích đấy!

12 – Xác định những nhân tố gây lãng phí thời gian và tìm cách loại bỏ chúng

Hãy thử ngồi kiểm tra xem các nhân tố gây lãng phí thời gian của bạn lặp đi lặp lại mỗi ngày là gì?

Đó có thể là việc kiểm tra email liên tục 1 tiếng/lần trong khi phần lớn email đều không phải là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Thay vì kiểm tra email 1 tiếng/lần bạn có thể chuyển sang kiểm tra email 1 ngày 1 – 2 lần.

Với mình thì nhân tố gây lãng phí thời gian nhất đó là “Facebook”. Là admin của hai cộng đồng “Money Mom Sharing – Tài chính cá nhân cho mẹ Việt”“Tự xuất bản sách từ A – Z cùng Mochibooks”.

Mình trước đây hay để thông báo từ Facebook mỗi khi có thành viên yêu cầu tham gia nhóm, có thành viên cần duyệt bài, có thành viên comment cần trả lời, … Mỗi lần như vậy mặc dù thao tác của mình chỉ mất 5 phút nhưng nó liên tục lặp lại và làm gián đoạn sự tập trung của mình vào những việc quan trọng và cần sự tập trung (viết bài blog hay viết sách chẳng hạn).

Về sau mình đã quyết định tắt Thông báo từ Facebook và tương tự cũng chỉ xử lý tất cả các công việc admin một ngày 2 – 3 lần vào thời gian cố định thay vì để nó ảnh hưởng đến toàn bộ các công việc khác của mình.

Ở phần này, tác giả cũng có đề cập đến vấn nạn họp hành. Nếu bạn là người có quyền lựa chọn, hãy giảm tải việc họp hành không cần thiết (nếu bạn không có quyền lựa chọn thì chắc bạn vẫn phải chấp nhận).

Hiện tại khi mình tự điều hành công việc của mình với một vài người hợp tác, bọn mình chỉ họp 2 tuần/lần hoặc 1 tháng/lần và trao đổi xử lý việc phát sinh ngay lập tức.

Tất nhiên để có thể hạn chế việc họp hành, bạn cần phải học cách trao quyền dưới sự giám sát thông qua báo cáo kết quả.

13 – Thuê một trợ lý riêng từ xa để học và sở hữu kỹ năng quan trọng nhất của nhóm NR là quản trị từ xa và trao đổi thông tin

Chi phí cho một trợ lý ảo (trợ lý từ xa – VA – Virtual Assistant) làm việc từ xa chỉ rơi vào khoảng vài triệu/tháng (tùy tính chất và số lượng đầu việc) với mục đích là giải phóng thời gian cho bạn tập trung vào những việc lớn lao và quan trọng hơn.

Mình trước đây đã từng thuê một bạn VA nhưng hiện tại mình đang tạm dừng vì mình tìm được sự hỗ trợ khác phù hợp hơn. Nhưng trong thời gian tới mình có thể sẽ quay trở lại với việc tìm sự trợ giúp từ VA.

Nguyên tắc là bạn nên thuê những việc không quan trọng và không cấp thiết. Không cần sự tham gia của bạn. Với mình đó có thể là tái sử dụng nội dung dài mình viết, chia sẻ trên website, kênh youtube/podcast để dựng thành các đoạn ngắn trên mạng xã hội. Tất nhiên chịu trách nhiệm sản xuất nội dung, các sản phẩm, khóa học, … vẫn là do mình đảm nhiệm.

Tim Ferris cũng nhắc nhở chúng ta rằng:

Đừng bao giờ tự động hóa những việc có thể loại bỏ được. Cũng đừng bao giờ ủy thác những việc có thể tự động hóa

14 – Bánh lái tự động cho con thuyền thu nhập

Thật tuyệt khi chúng ta có thể có được các nguồn thu nhập tốt.

Nhưng tuyệt vời hơn cả là chúng ta cần phải tự động hóa nguồn thu nhập đó.

Và sau đây là 03 bước Tim Ferrris gợi ý cho chúng ta (chi tiết cách làm bạn đọc sách nhé!).

Bạn có thể tìm link mua sách và xem các đầu sách khác MMS gợi ý tại đây.

Bước 1 – Tìm sản phẩm lý tưởng (trong đó sáng tạo các sản phẩm thông tin mới là một giải pháp được khuyến nghị)

Bước 2 – Kiểm tra sản phẩm trước khi thực sự đầu tư

Bước 3 –  Quản lý bằng sự vắng mặt (coi tự động hóa là một mục tiêu)

15 – Cho khách hàng ít lựa chọn

Tim Ferris đã bật mí bí quyết để có nhiều doanh thu hơn và làm ít việc hơn đó là:

Ít lựa chọn hơn = Nhiều doanh thu hơn.

Quá nhiều sự lựa chọn sẽ dẫn đến sự phức tạp và khó quyết định từ khách hàng.

Đặc biệt khi bạn mới bắt đầu và tất cả nguồn lực của bạn đều gì giới hạn (thời gian, tiền bạc, …). Đừng quá phức tạp mọi thứ.

Sau đây là một số gợi ý từ tác giả:

  • Chỉ đưa ra tới hai lựa chọn mua hàng (“cơ bản” và “ưu đãi”)
  • Chỉ cung cấp hai lựa chọn giao hàng (“chậm và miễn phí”, “nhanh và tính phí”)
  • Không giao hàng ngoài giờ hành chính

Bạn có thể thấy gợi ý này hơi phi lý vì khi bạn mới bắt đầu có khách hàng, mới bắt đầu kinh doanh hoặc làm công việc tư vấn dịch vụ, bạn chưa đạt được đến điểm hòa vốn thì bạn phải tìm mọi cách “chiều chuộng” khách hàng để kiếm được càng nhiều khách hàng, càng nhiều thu nhập càng tốt.

Nhưng hãy thận trọng về việc quá “dễ dãi”.

Khi đã đạt đến mức thu hồi vốn, bạn cần có bước chọn lọc khách hàng phù hợp.

Phần lớn các trường hợp khách hàng mang lại lợi nhuận thấp thường yêu cầu mức dịch vụ khách hàng cao và ngược lại.

16 – Sự ra đời của nghỉ hưu ngắn hạn (“Mini – Retirement”)

“Thay vì để dành 20 – 30 năm nghỉ hưu đến cuối đời, sao mình không chia nó thành những quãng nhỏ hơn nhỉ?”

Phần cuối của cuốn sách tác giả dành nhiều thời gian chia sẻ kinh nghiệm để có được những chuyến đi nghỉ hưu ngắn “mini – retirement” với một mức giá hợp lý.

Mặc dù phần này mình chưa thể áp dụng nhưng đó cũng là mơ ước của mình (và nhiều nhiều chị em phụ nữ khác).

Những công việc mình đang làm phần lớn đều hướng tới mục tiêu tự động hóa và thu nhập thụ động để dần giải phóng bản thân khỏi quá trình làm việc hoặc là mình chỉ làm những việc mà mình thích thay vì mình phải làm việc để kiếm tiền.

Về chủ đề “Tăng thu nhập” đặc biệt là “thu nhập thụ động”, mình sẽ chia sẻ nhiều hơn trong thời gian tới.

Mời bạn để lại email để nhận được bản tin hàng tuần miễn phí nhưng chất lượng từ MMS (ở phần chân website) và tham gia Facebook Group “Money Mom Sharing – Tài chính cá nhân cho mẹ Việt” để được thông báo về những hoạt động mới nhất của MMS.

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đọc thêm câu chuyện về Founder tại đây

Money Mom Sharing là kênh chia sẻ về tài chính cá nhân dành riêng cho phụ nữ được sáng lập bởi Lê Phương Thanh - chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận của NFEC Hoa Kỳ.

Sách Tài chính cá nhân
cho Mẹ Việt

"Tài chính cá nhân cho mẹ Việt" là quyển sách tài chính cá nhân thuần Việt đầu tiên viết dành tặng riêng cho phụ nữ, là quyển sách đầu tay chứa đựng nhiều tâm huyết của tác giả Lê Phương Thanh. Sách giúp nhiều phụ nữ Việt đã và sẽ làm mẹ có thể tự tin, độc lập về tài chính.

Tải ebook quản lý tài chính
miễn phí

Tải công cụ quản lý tài chính

Đăng ký email

Để lại email để đọc bản tin hàng tuần của MMS (miễn phí – giá trị & tuyệt đối không spam) bạn nhé!

Bạn đã tải file thử thách 21 ngày detox tài chính cá nhân và hình thành thói quen tiết kiệm chưa?

miễn phí

Hiệu quả của Thử thách đã được chứng minh bởi rất nhiều chị em phụ nữ!