quản lý tài chính gia đình

05 quy tắc vàng trong quản lý tài chính gia đình không nên bỏ qua

Quản lý tài chính gia đình là một “nghệ thuật” và người chịu trách nhiệm quản lý tài chính gia đình (vợ hoặc chồng hoặc cả hai) chắc chắn là người “nghệ nhân”.

Tất cả chúng ta trước khi bước chân vào cánh cửa cuộc sống gia đình đều không thể lường trước hết những “phức tạp” trong phạm trù tài chính gia đình. Tài chính cá nhân đã phức tạp, tài chính gia đình càng phức tạp hơn vì khi này vai trò và trách nhiệm của bạn đã rất khác. Ngoài chịu trách nhiệm với bản thân mình, bạn còn chịu trách nhiệm với con cái hay bố mẹ già.

Bản thân mình cũng vậy, xuất thân là một người có nền tảng về tài chính (học thạc sĩ chuyên ngành tài chính, công tác 10 năm trong lĩnh vực tài chính) khi mới bước chân vào cuộc sống gia đình mình cũng cảm thấy vô cùng hoang mang, mình cũng đã đưa ra rất nhiều quyết định sai lầm trong mọi mặt của tài chính gia đình như: chọn sai việc, chi tiêu sai hay đầu tư sai. 

Đến thời điểm hiện tại, sau thời gian dài tham gia khóa học đào tạo chuyên sâu dành cho những chuyên gia giáo dục tài chính CFEI® (Certified Financial Education Instructor), dành rất nhiều thời gian đào sâu các lý thuyết kinh điển của tài chính cá nhân và đúc rút kinh nghiệm từ chính những bài học “trả giá bằng tiền mặt” của mình, mình đã nghiệm ra rằng một nền tảng tài chính gia đình vững chắc cần phải xuất phát từ việc thực hiện nghiêm túc 05 quy tắc vàng như sau:

1. Quy tắc 1: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”

quản lý tài chính gia đình
“Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn

Sẽ thật sự có rắc rối nếu hai vợ chồng bạn không có cùng tiếng nói trong quản lý tài chính gia đình. Bạn nghĩ sao nếu bạn – một người mẹ, một người vợ luôn tìm cách tiết kiệm tiền, cắt giảm chi tiêu lãng phí, ghi ghi chép chép chi tiêu, tìm các kênh đầu tư bền vững để phát triển tài chính gia đình thì chồng bạn – ngược lại có thể sẵn sàng “vung tiền” đi mua sắm những món đồ đắt đỏ và rất “không liên quan” như: mua mô hình máy bay lắp ghép, sưu tầm đồng hồ cổ đắt tiền, …

Không ổn một chút nào đúng không?

Bất kể gia đình bạn đang chọn quản lý tài chính gia đình theo cách nào: 

Cách “Gom tất cả tiền chung về một mối và một người – thường là vợ đứng ra chịu trách nhiệm mọi thứ” truyền thống từ thời xa xưa các cụ.

Hay cách “Hai túi tiền thông nhau, chung những thứ cần chung, riêng những thứ cần riêng và cả hai người tham gia quyết định những cái chung”. Cách này cho phép mỗi người có không gian riêng, chủ động hơn nhưng cũng trách nhiệm hơn.

Bạn thấy đấy dù bạn chọn cách nào cũng cần phải có sự đồng thuận nhất định từ cả hai vợ chồng.

Mình nhấn mạnh hai chữ “nhất định” là vì sao?

Là vì bạn đừng có đòi hỏi một sự hoàn hảo. Đồng thuận nhưng không thể đồng thuận 100%.

Hoàn cảnh gia đình, môi trường sống xung quanh, môi trường giáo dục, các sự kiện thời thơ ấu, … rất rất nhiều yếu tố hình thành nên thói quen chi tiêu và tư duy tiền bạc của mỗi người. Không ai giống ai. Bạn đừng đòi hỏi chồng bạn phải chi tiêu, tiết kiệm hay kể cả đầu tư giống hệt bạn và ngược lại.

Chấp nhận sự khác biệt và tìm sự đồng thuận ở các mục tiêu chung.

Bạn và chồng cần ngồi lại xác định mục tiêu chung là gì: con cái, mua nhà, mua xe, bảo hiểm, tích lũy tuổi già, … Sau đó hãy tính ra một số tiền cụ thể gia đình mình cần để hoàn thành các mục tiêu đó và cùng nhau xây dựng kế hoạch chi tiết. 

Việc đồng thuận trong các mục tiêu chung này cực kỳ quan trọng. 

Ví dụ bạn thích con đi du học trong khi chồng thì nghĩ việc này quá tốn kém và không cần thiết.

Ví dụ bạn thích mua nhà đất còn chồng bạn thích chung cư.

Việc bất đồng này sẽ cản trở quá trình hoàn thành mục tiêu. Hai vợ chồng cần “bàn bạc trong hòa bình” để tìm ra mục tiêu chung phù hợp nhất, hài hòa nhất đôi bên. 

Thống nhất mục tiêu chung thì khâu “triển khai” mới có thể bắt đầu được. Đúng như các cụ đã nói “Thuận vợ thuận chồng tắt biển Đông cũng cạn”.

2. Quy tắc 2: Làm gì cũng phải có kỷ luật

quản lý tài chính gia đình
Kỷ luật

Tháng này bạn rất vui bạn để ra được 2 triệu đồng với mục tiêu tiết kiệm đầu tư tích lũy vào chứng chỉ Quỹ mở cho tương lai của con cái. Nếu bạn chưa biết về công cụ đầu tư Quỹ mở có thể đọc bài viết này của mình.

Tháng sau bạn không được vui lắm bạn để ra được 1 triệu đồng.

Tháng tiếp nữa bạn rất không vui, kết quả là bạn tiêu hết sạch tiền, không còn đồng nào để tiết kiệm đầu tư tích lũy.

Bất kỳ việc gì trong cuộc sống đều cần kỷ luật, tài chính cũng không loại trừ. 

Bạn đã từng nghe thấy câu nói của nhà đầu tư lỗi lạc Warren Buffet chưa? “Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau chi tiêu, hãy tiêu những gì còn lại sau tiết kiệm”.

Bạn thấy đấy đến Warren Buffet còn cần có kỷ luật huống hồ chúng ta?

Bạn đang có một mục tiêu trước mắt. 

Ví dụ ngắn hạn bạn muốn tham gia một khóa học nâng cao kỹ năng chuyên môn với số tiền 10 triệu đồng vào đầu năm sau, bạn cần phải có kỷ luật để bỏ ra sẵn 1 triệu đồng mỗi tháng dành tiền cho khóa học đó.

Ví dụ dài hạn bạn muốn cho con đi du học sau 15 năm nữa, bạn làm gì để có số tiền đó? Bỏ ra 5 triệu đồng mỗi tháng đầu tư định kỳ đều đặn và dài hạn vào chứng chỉ Quỹ ETF hoặc Quỹ mở cũng có thể là lựa chọn.

Nếu bạn không có kỷ luật thật tiếc bạn sẽ khó đạt được bất kỳ thành tựu gì, đặc biệt trong việc quản lý tài chính gia đình – một công việc đòi hỏi khá nhiều kỷ luật.  

3. Quy tắc 3: Lên kế hoạch dài hạn và chia nhỏ kế hoạch

quản lý tài chính gia đình
Lên kế hoạch dài hạn và chia nhỏ kế hoạch

Khi lên kế hoạch quản lý tài chính gia đình, khâu thiết lập mục tiêu là khâu quan trọng bậc nhất. Sau khi đã đạt được sự đồng thuận với chồng, bạn cũng đã biết rằng bạn cần bao nhiêu tiền để chinh phục mục tiêu tài chính đó.

Ví dụ, bạn lên kế hoạch 20 năm nữa khi về hưu bạn muốn cùng chồng “vi vu khắp thế giới”. Nhưng đến khi phát hiện ra số tiền bạn cần để hiện thực hóa cuộc sống trong mơ đó quá lớn. Bạn cảm thấy “trầm cảm” và quyết định từ bỏ mơ ước “xê dịch” bạn và ông xã đã mơ ước từ những ngày còn trẻ.

Đừng dễ dàng từ bỏ mơ ước của mình như vậy. 

Nhưng nếu cảm thấy quá khó khăn, hãy chia nhỏ mục tiêu đó ra theo hai phương thức là thời gian và số tiền.

Cũng vẫn ví dụ bên trên, bạn cần 1 tỷ để du lịch khi về già. 

Bạn có thể dùng công cụ ftool của fmarket – một ứng dụng đầu tư chứng chỉ Quỹ để tính. Với lợi nhuận kỳ vọng 15%/năm, việc bạn kiên trì để ra 800k/tháng, sau 20 năm bạn và chồng sẽ có 1 tỉ dành cho Quỹ đi du lịch.

Vậy là công việc của mình đã trở nên rất nhẹ nhàng. Từ 1 tỷ trong 20 năm quy về chỉ còn 800k mỗi tháng.

Bạn sẽ có động lực hơn đúng không nào? Đừng quên nguyên tắc giữ kỷ luật trong đầu tư tích lũy nhé.

Thực tế là sẽ rất dễ dàng để bạn đầu tư dạng tích sản như thế này trong 1, 2 năm nhưng trong 10, 15, 20 năm thì ít người có thể đủ kiên nhẫn.

Nhưng nếu bạn đủ, bạn sẽ là một trong những người có được “cuộc sống trong mơ” khi về già. 

4. Quy tắc 4: Không có gì sai khi làm sai 

quản lý tài chính gia đình
Không có gì sai khi làm sai

Tài chính là tổng hợp của rất nhiều quyết định “nhạy cảm” và “dũng cảm”. Trong hành trình đầu tư để tìm cách tăng trưởng tài sản cho gia đình của mình trên thị trường chứng khoán, mình cũng đã không ít lần làm sai như: all in vào một cổ phiếu, bán đỉnh mua đáy, đầu tư vì nghe theo lời người khác, …

Hay đơn giản hơn trong những chi tiêu hàng ngày, mình cũng chi sai rất nhiều lần. Có những chiếc váy mình thấy đẹp và mua trong phút mốt (đặt hàng online), cuối cùng mua về cảm thấy quá thất vọng, chất vải thì dày, nóng, kiểu dáng thì quá rộng không vừa vặn, … và cuối cùng mình vứt xó. Váy vóc chỉ là một ví dụ nho nhỏ. Còn rất nhiều hạng mục khác mình “chi sai” như: mua quần áo cho con mà không vừa, mua đồ chơi cho con mà con không chơi chỉ phá, …

Hay trọng hạng mục “kiếm tiền”, mình cũng đã từng làm sai … Mình từ bỏ vị trí quản lý đầy năng động, nhiều cơ hội thăng tiến tại một Ngân hàng lớn, “lùi” về làm một kế toán với suy nghĩ sẽ có nhiều thời gian hơn cho chồng con. Kết quả công việc kế toán đó làm mình “trầm cảm” một thời gian vì đơn giản nó không phù hợp với con người mình, không cho mình cơ hội để phát triển bản thân theo cách mình mong muốn. Và mình đã quyết định dừng lại …

Bạn thấy đấy! Mình làm sai rất nhiều. Bạn chắc cũng vậy. 

Quan trọng hơn nữa là bạn sẽ làm gì sau khi phát hiện mình đã sai?

Học từ chính những sai lầm đó và đứng lên bước tiếp, đừng bỏ cuộc.

Tuy nhiên, với các quyết định về tiền, đặc biệt các khoản quyết định có giá trị lớn, một lời khuyên của mình tới các bạn đó là phải học cách quản trị rủi ro, phân bổ vốn. 

Ví dụ, sẽ chẳng có vấn đề gì nếu bạn “all in” 10 triệu đồng vào một cổ phiếu và sau đó cổ phiếu đó bị giảm 50 – 70% vì thị trường điều chỉnh. Nhưng nếu bạn “all in” 100 triệu đồng hay thậm chí 1 tỷ thì câu chuyện lại nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đặc biệt nếu số tiền lớn đó là toàn bộ tài sản của gia đình bạn hay bạn đi vay mượn thêm để đầu tư.

Tương tự với việc chi tiêu và kiếm tiền. Bạn vẫn luôn cần những phương án thận trọng để trong trường hợp làm sai, mình vẫn còn “nguồn lực” để bắt đầu lại. 

Bạn muốn bắt đầu một công việc kinh doanh của riêng mình, đừng quá hào hứng mà đầu tư vốn lớn trong khi kinh nghiệm chưa đủ. “Khởi nghiệp tinh gọn, tiết kiệm” và phát triển dần dần theo thời gian để quản trị rủi ro là cách mình khuyên bạn nên làm để giữ tài chính gia đình ổn định, an toàn và bền vững.

5. Quy tắc 5: Cho bản thân những khoảng nghỉ

quản lý tài chính gia đình
Cho bản thân những khoảng nghỉ

Bạn nghĩ sao nếu bạn quá “khắc nghiệt” với bản thân. Bạn nhịn ăn, nhịn mặc để hoàn thành mục tiêu tiết kiệm cho bản thân và gia đình. Đến một ngày bạn cảm thấy quá mỏi mệt với việc tiết kiệm, với “công cuộc quản lý tài chính gia đình” quá vất vả.

Bạn cảm thấy rằng “Cuộc sống có bao lâu mà hững hờ”.

Và bạn cho phép bản thân được “nghỉ xả hơi” sau những ngày tháng tiết kiệm mệt mỏi, sắm 10 cái váy mới, 5 thỏi son mới, đi du lịch 5 chuyến với các con, …

Bạn thấy đấy nếu bạn rơi vào trường hợp này, tổng kết lại số tiền bạn tiết kiệm cho gia đình không đáng bao nhiêu mà bạn còn phải chịu “tâm lý” đè nặng suốt thời gian cố gắng hết sức mình để tiết kiệm từng đồng.

Với góc nhìn từ mình – một chuyên gia giáo dục tài chính nhưng cũng là một người phụ nữ hết sức “phù phiếm” và yêu thích những trải nghiệm, mình cho rằng cuộc sống chỉ nghĩ đến kiếm tiền, tiết kiệm tiền quả thực không thể bền vững. Tất nhiên gia đình bạn có thể sẽ “rất giàu” nhưng đúng là tiền rất quan trọng nhưng lại không phải là tất cả.

Bạn còn nhớ 02 phương pháp quản lý tài chính “kinh điển” 50/30/206 chiếc lọ mình đã chia sẻ trong các bài viết trước. Nếu bạn đã quên, bạn có thể bấm để đọc lại nhé.

Bạn thấy đấy, bạn hoàn toàn cần có “room” để chi cho những việc bạn và gia đình cảm thấy vui.

Con cái bạn vẫn cần đồ chơi, vẫn cần được đi chơi, vẫn cần được tham gia các khóa học trải nghiệm (trong khả năng chi trả của cha mẹ).

Bạn cũng vẫn cần làm đẹp, vẫn cần mua quần áo để “nâng tầm” bản thân hay vẫn cần những khoản chi “phù phiếm” như làm tóc, làm nails, đi spa – nếu đó là đam mê của bạn.

Chỉ cần bạn thu xếp đủ ngân sách cho những khoản đó và dành đủ “room” cho mục tiêu tiết kiệm, tích lũy, đầu tư cho tương lai.

Sau một khoảng thời gian quản lý tài chính gia đình (nỗ lực kiếm tiền, tiết kiệm tiền), đừng ngại trích một phần ngân sách để “tự thưởng” cho bản thân và gia đình một món quà nho nhỏ. Đó có thể là một chuyến du lịch chẳng hạn. 

Những khoảng nghỉ phù hợp cho phép bạn nạp năng lượng và tiếp tục bước tiếp trong hành trình xây dựng tài chính gia đình vững chắc hơn. 

Đừng chỉ đi mải miết, hãy đi và dừng lại một chút để nghỉ rồi lại bước tiếp.

Hy vọng bạn thấy 05 quy tắc này của mình có ý nghĩa với công cuộc quản lý tài chính của gia đình bạn. Đừng quên like và chia sẻ để nhiều người cùng biết đến nếu bạn thấy nội dung này hữu ích nhé! Cân nhắc mời mình và team Money Mom Sharing một ly café tại đây nhé!

 

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đọc thêm câu chuyện về Founder tại đây

Money Mom Sharing là kênh chia sẻ về tài chính cá nhân dành riêng cho phụ nữ được sáng lập bởi Lê Phương Thanh - chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận của NFEC Hoa Kỳ.

Sách Tài chính cá nhân
cho Mẹ Việt

"Tài chính cá nhân cho mẹ Việt" là quyển sách tài chính cá nhân thuần Việt đầu tiên viết dành tặng riêng cho phụ nữ, là quyển sách đầu tay chứa đựng nhiều tâm huyết của tác giả Lê Phương Thanh. Sách giúp nhiều phụ nữ Việt đã và sẽ làm mẹ có thể tự tin, độc lập về tài chính.

Tải ebook quản lý tài chính
miễn phí

Tải công cụ quản lý tài chính

Bài viết mới nhất

Đăng ký email

Để lại email để đọc bản tin hàng tuần của MMS (miễn phí – giá trị & tuyệt đối không spam) bạn nhé!

Bạn đã tải file thử thách 21 ngày detox tài chính cá nhân và hình thành thói quen tiết kiệm chưa?

miễn phí

Hiệu quả của Thử thách đã được chứng minh bởi rất nhiều chị em phụ nữ!