Quy tắc 6 chiếc lọ là quy tắc quản lý tài chính cá nhân được sáng lập bởi T. Harv Eker, một doanh nhân, một diễn giả truyền cảm hứng về tự do tài chính và là tác giả của quyển sách nổi tiếng Bí mật tư duy triệu phú. Bạn có thể ghé thăm trang của T. Harv Eker tại đây nếu muốn tìm hiểu thêm về bác ấy nhé.
Đừng lo nếu như bạn cảm thấy khái niệm “tự do tài chính” hay “tư duy triệu phú” có gì đó quá xa lạ và không liên quan đến cuộc đời bạn. Bạn không cần phải quá quan tâm đến những chủ đề này, đích đến của bạn là xây dựng tài chính gia đình “an tâm & bền vững”. Và quy tắc 6 chiếc lọ này hoàn toàn có thể giúp bạn phần nào.
Nói về các cách thiết lập ngân sách, quản lý tài chính thì ngoài quy tắc 50/30/20 mình đã từng giới thiệu tại đây thì quy tắc 6 chiếc lọ cũng có thể là một sự “tham khảo” tốt dành cho bạn.
Bạn sẽ thực hiện phân bổ tương ứng các khoản thu nhập hàng tháng của gia đình vào từng chiếc lọ riêng lẻ phục vụ cho các khoản chi khác nhau, tỷ lệ cụ thể như sau:

Quy tắc này có phần cụ thể, chi tiết hơn so với quy tắc 50/30/20 mình đã từng giới thiệu ở một bài viết trước.
Lọ 1 (55% thiết yếu) – mục đích của lọ này tương tự quy tắc 50/30/20 chỉ khác chút xíu về tỷ lệ (cao hơn 5%). Chi thiết yếu bao gồm các khoản chi bạn cần phải chi phục vụ cuộc sống gia đình như: ăn uống, điện nước, xăng xe, nhà ở, con cái, trả nợ mức tối thiểu…
Lọ 2 (10% tiết kiệm dài hạn) – đây là phần tiền tiết kiệm mang tính chất bảo vệ, phòng thủ, sẽ bao gồm các tài sản mang tính an toàn như: tiền gửi ngân hàng, vàng hay bảo hiểm (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, …).
Lọ 3 (10% giải trí) – mục đích của lọ này tương tự quy tắc 50/30/20 nhưng khác biệt khá lớn về tỷ lệ (10% so với 30%). Chi không thiết yếu (là những cái gia đình bạn muốn chi) như: du lịch, giải trí, ăn hàng, chăm sóc bản thân…
Lọ 4 (10% cho giáo dục). Theo ý đồ của tác giả, lọ 4 này sẽ không bao gồm các khoản bạn chi cho việc giáo dục của con cái. Khoản chi cho giáo dục của con cái sẽ nằm trong phạm vi chi tiêu của Lọ 1 (55% thiết yếu).
Tại lọ này, tác giả muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “Lifelong learning” – “Học tập suốt đời” – “Đầu tư cho bản thân”. Đây là khoản bạn nên dành ra chi cho việc học tập của bạn và cả chồng bạn nữa. Các phương tiện phục vụ học tập, làm việc cũng có thể chi từ lọ này như: laptop, tai nghe hay kindle (mình là “fan” của sách điện tử – ebook).
Lọ 5 (10% tự do tài chính) – tác giả khuyến khích bạn đầu tư vào các tài sản có tính chất “tăng trưởng” (đồng nghĩa rủi ro cao) như: cổ phiếu, trái phiếu riêng lẻ, chứng chỉ Quỹ, bất động sản, các công cụ tạo thu nhập thụ động khác…
Lọ 6 (5% từ thiện) – tác giả mong muốn bạn dành 5% thu nhập của gia đình để “cho đi” vì “cho đi là nhận lại”.
Việc bạn có muốn chi hết 5% thu nhập mỗi tháng để từ thiện hay không đó là quyết định của bạn. Mình hay chọn các cách từ thiện có ý nghĩa mà không mất tiền hoặc mất ít tiền như: tham gia hiến máu, tham gia các chương trình tình nguyện… Đóng góp cho cộng đồng bằng cách này hay cách khác khiến bạn hiểu hơn giá trị của sự cho đi.
Đừng quên cho con đồng hành cùng hành trình “cho đi” này cùng bạn nhé. Nếu bạn cảm thấy điều kiện tài chính chưa cho phép dành 5% thu nhập cho hoạt động từ thiện xã hội, bạn có thể cân nhắc để lọ 6 dự phòng cho các khoản chi mang tính chất “đối nội, đối ngoại” (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…).
Cá nhân mình gần đây hay từ thiện qua ví Momo. Ngoài nhiều chương trình giảm giá, ví Momo còn có hoạt động “Sống tốt cùng Momo” với một số hoạt động như: “Heo đất Momo”, “Heo đi học”, “Ví nhân ái”, “Phát tâm công đức”, … Bạn có thể thử tham gia và đóng góp một ít giá trị cho cộng đồng nhé (số tiền đóng góp có thể rất nhỏ vì vài chục nghìn).
Link tải app ví điện tử Momo được tặng quà có giá trị lên đến 500k (chỉ áp dụng khi tải app qua link) tại đây.
Quy tắc 6 chiếc lọ này chi tiết hơn quy tắc 50/30/20 và cho bạn một tỷ lệ cụ thể dành cho một số khoản chi khá mới mẻ như: học tập, tự do tài chính hay từ thiện (những nội dung mà có thể bạn không hề nghĩ tới cho đến khi bạn đọc quyển sách này).
Phương pháp nào phù hợp với gia đình bạn?
Như mình đã nói, việc thiết lập ngân sách như thế nào tùy thuộc vào điều kiện tài chính hiện tại cũng như mục tiêu của gia đình bạn.
Mình khuyên bạn nên sử dụng tỷ lệ của quy tắc 6 chiếc lọ và cả quy tắc 50/30/20 để tham khảo trước khi đưa ra quyết định phù hợp với tài chính của chính mình.
Làm gì tiếp theo?
Bạn đang gặp vấn đề về tài chính hoặc đang băn khoăn trước một quyết định tài chính nào đó?
Hãy để mình đồng hành cùng bạn vượt qua những khó khăn, xây dựng kế hoạch tài chính cho cuộc đời bạn.
Đặt lịch tư vấn 30 phút miễn phí với mình tại đây.