Quy tắc 50/30/20 là quy tắc quản lý tài chính cá nhân đầu tiên bạn cần biết. Tại sao? Bởi vì nó rất đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng.
Tất cả chúng ta đều hiểu rằng việc quản lý tiền bạc đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng một nền tài chính vững vàng.
Quản lý tiền bạc nghe có vẻ to tát nhưng thực ra đó chỉ là một chuỗi những hành động để biết tiền của chúng ta từ đâu đến (thu nhập) và đã đi những đâu (chi phí).
Tuy nhiên, phần lớn chúng ta đều không biết bắt đầu từ đâu? Không biết làm thế nào để phân chia các khoản tiền chúng ta kiếm được vào những khoản mục chi phí sao cho đảm bảo hợp lý nhất, tiết kiệm nhưng không quá “hà khắc”, vẫn còn “room” để chị em chi cho các hoạt động giải trí, làm đẹp, chăm sóc bản thân?
Thực tế tồn tại không ít những quy tắc quản lý tiền bạc, tuy nhiên, quy tắc 50/30/20 vẫn được ĐÁNH GIÁ CAO đơn giản vì tính khả thi, tính dễ sử dụng của quy tắc này. Và đây cũng là quy tắc mà mình ưu tiên giới thiệu cho mọi người để bắt đầu “xốc lại” tình hình tài chính nhé.
1 – Quy tắc 50/30/20 là gì?
Quy tắc này chia thu nhập của gia đình bạn thành ba phần: 50% cho thiết yếu, 30% cho không thiết yếu và 20% cho mục tiêu tiết kiệm hoặc trả thêm nợ.

Chi thiết yếu bao gồm các khoản chi bạn cần phải chi phục vụ cuộc sống gia đình như: ăn uống, điện nước, xăng xe, nhà ở, con cái, trả nợ mức tối thiểu…
Chi không thiết yếu (là những cái gia đình bạn muốn chi) như: du lịch, giải trí, ăn hàng, chăm sóc bản thân…
Chi tiết kiệm dành cho Quỹ khẩn cấp, trả thêm nợ, tiết kiệm, đầu tư, mua bảo hiểm…
2- Ưu và nhược điểm của quy tắc 50/30/20
- Ưu điểm
Quy tắc khá đơn giản, bạn chỉ cần chia thu nhập hàng tháng thành 03 nội dung. Nó cũng khá linh hoạt vì bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh các khoản mục chi nhỏ nằm trong ba hạng mục chi lớn.
- Nhược điểm
Nhược điểm của quy tắc này nằm ở 3 con số 50, 30 và 20. Vì cố định tỷ lệ với ba hạng mục chi lớn và không phù hợp với hoàn cảnh tài chính của từng gia đình.
Nhưng 3 con số này có thể chỉ là “tham khảo” và bạn toàn quyền có thể biến đổi nó.
Ví dụ, gia đình bạn đang hơi khó khăn về tài chính, con số 20% cho tiết kiệm là quá sức với bạn, hãy bắt đầu từ con số 1%, 2%… tăng dần lên qua mỗi tháng và lấy 20% là đích đến.
Ví dụ gia đình bạn đang khá dư dả trong sinh hoạt hàng ngày nhưng tích lũy cho tương lai gần như = 0, hãy cắt giảm chi phí cần, tiết chế chi phí muốn để tăng tỷ lệ tiết kiệm lên 30%, 40%, 50%…
3 – Vài lưu ý khi sử dụng quy tắc 50/30/20
Mọi người đã hiểu rõ quy tắc 50/30/20 là gì rồi đúng không? Rất đơn giản nhỉ. Vậy những lưu ý gì khi sử dụng quy tắc này?
Thứ nhất, hãy luôn coi việc trích tối thiểu 20% thu nhập của mình hoặc gia đình mình hàng tháng dành cho việc tiết kiệm (bao gồm cả Quỹ khẩn cấp, mua bảo hiểm, đầu tư chứng khoán, trả thêm nợ, …) là một MỤC TIÊU bạn cần đạt được. Nếu thấy mục tiêu này quá sức với mình tại thời điểm hiện tại, mọi người có thể “thử sức” với mức tối thiểu 10%.
Thứ hai, cuộc sống luôn luôn cần sự cân bằng.
Bạn, chồng bạn, con cái bạn, … cần có những khoản chi cho việc mình MUỐN (cụ thể đây là giải trí, chăm sóc bản thân, sở thích cá nhân, ăn hàng, trà sữa…). Chúng ta sống chứ không phải đang tồn tại. Và quy tắc 50/30/20 này “cho phép” bạn dành tận 30% thu nhập cho những cái chúng ta muốn.
Tất nhiên là nếu điều kiện tài chính của gia đình đang quá hạn hẹp, bạn đôi khi phải tạm hy sinh những thú vui của mình, giảm tiền chi cho những khoản muốn xuống. Ví dụ, bớt đi ăn hàng, giảm du lịch từ 2 chuyến/năm xuống còn 1 chuyến/năm, bớt mua quần áo, mỹ phẩm cho mình, bớt mua đồ chơi cho con, …
Có rất nhiều cách để giải quyết bài toán tài chính đau đầu của gia đình. Tuy nhiên, dù bạn cắt giảm như thế nào, hãy luôn dành một khoản nào đó phù hợp để giúp mình có thể cân bằng được cuộc sống nhé!
Thứ ba, đối với việc chi cho các bạn cần.
Với những người có thu nhập quá cao thậm chí mọi người có thể chỉ dành đến 20% thu nhập chi cho những khoản cần để duy trì cuộc sống. Trường hợp này quá lý tưởng, tuy nhiên hãy nhớ rằng, dù bạn có thu nhập cao bạn cũng cần phải dành ít nhất 20% để tiết kiệm và đầu tư nhé (nhiều hơn thì càng tốt).
Với những gia đình thu nhập còn khiêm tốn, con số này quả thật là khó đạt được. Mọi người thậm chí dành đến 70, 80% để chi cho những chi phí CẦN để duy trì cuộc sống. Giải pháp mình đưa ra cho mọi người đó là hãy bắt đầu cắt giảm từ những chi phí lớn nhất.
Ví dụ, nếu mình đi thuê nhà, chi phí lớn nhất có lẽ là tiền đi thuê nhà. Hãy thử tìm một căn hộ có giá thuê rẻ hơn. Hoặc thuê hẳn một căn to với nhiều phòng, nhà mình ở một phòng và các phòng còn lại bạn sẽ cho thuê lại (tất nhiên nếu người thuê cho phép). Với cách này bạn thậm chí còn không cần trả tiền thuê nhà (vì số tiền bạn thu được từ việc cho thuê lại một phần căn hộ đã đủ bù đắp rồi).
Ví dụ, chi phí đi học của con đang là chi phí lớn nhất. Bạn có thể cân nhắc tìm một phương án khác. Đầu tư cho con học là một điều tốt nhưng gồng gánh quá, áp lực quá thì đôi khi lại có tác dụng ngược lại.
Có thể tìm một ngôi trường với học phí phù hợp hơn và cho con học thêm các chương trình homeschooling tại nhà để bù đắp kiến thức (đây là một câu chuyện dài, mình sẽ không nói sâu hơn ở đây, nếu thực sự mẹ nào đang rơi vào hoàn cảnh “nhịn ăn nhịn mặc cho con học trường xịn” thì hãy thử ngồi lại và tìm hiểu thêm xem sao).
Giới thiệu cho mọi người một chương trình homeschooling MIỄN PHÍ hoàn toàn Khan Academy (từ cấp mầm non đến phổ thông) để mọi người tìm hiểu thêm nhé.
Tóm lại, hãy thử suy nghĩ, linh hoạt tìm cách nào đó để giảm tỷ trọng chi cho các khoản cần về mức lý tưởng là 50% thu nhập nhé.
Tham khảo quy tắc 50/30/20 và bắt tay vào xây dựng một quy tắc quản lý tài chính phù hợp với riêng bạn nhé!
Làm gì tiếp theo?
Bạn đang gặp vấn đề về tài chính hoặc đang băn khoăn trước một quyết định tài chính nào đó?
Hãy để mình đồng hành cùng bạn vượt qua những khó khăn, xây dựng kế hoạch tài chính cho cuộc đời bạn.
Đặt lịch tư vấn 30 phút miễn phí với mình tại đây.
Bạn thấy bài viết hữu ích? Cân nhắc mời mình và team Money Mom Sharing một ly café latte tại đây nhé.