quỹ khẩn cấp là gì

Quỹ khẩn cấp là gì? Tất cả điều bạn cần biết về Quỹ khẩn cấp nằm trong bài viết này!

Quỹ khẩn cấp là gì? Có thể nhiều chị em đã nghe về khái niệm này nhưng chưa hiểu hết. Bài viết này là một hướng dẫn đầy đủ nhất mọi người có thể đọc về Quỹ khẩn cấp (Emergency Fund).

Trong quá trình làm việc, tư vấn với nhiều chị em phụ nữ, mình đã tìm hiểu được rằng một trong những lý do dẫn đến cảm giác bất an về tài chính đó là mọi người không duy trì một lượng tiền nhất định để riêng dành cho trường hợp khẩn cấp.

Không phải là mọi người không có tiết kiệm, tích lũy nhưng sai lầm chủ yếu là mọi người đã để tất cả phần tích lũy vào những tài sản không có tính thanh khoản, không đủ linh hoạt để rút ra trong trường hợp cần thiết. Ví dụ như chứng khoán, bất động sản chẳng hạn.

Chị em có thể đâu đó đã nghe thấy nhiều lần cụm từ Quỹ khẩn cấp. Nhưng có thể chưa hiểu rõ hết Quỹ khẩn cấp là gì? Tại sao lại cần Quỹ khẩn cấp? Để Quỹ khẩn cấp ở đâu vừa an toàn mà vẫn sinh lời? Bảo hiểm nhân thọ có tính là Quỹ khẩn cấp hay không? Rất rất nhiều câu hỏi vướng mắc sẽ được mình giải thích tại bài viết này.

1. Bắt đầu với việc hiểu Quỹ khẩn cấp là gì?

Quỹ khẩn cấp là Quỹ được để riêng không lẫn với các khoản chi khác và chỉ dùng cho trường hợp khẩn cấp. Vậy trường hợp khẩn cấp là gì?

Là các trường hợp không ai mong muốn và cũng không thể tính toán lường trước được. Khi xảy ra các tình huống khẩn cấp sẽ tác động đến tài chính gia đình ở hai khía cạnh (1) sự tăng lên về chi phí (2) sự giảm xuống của thu nhập.

Cùng tìm hiểu các tình huống khẩn cấp đó có thể là gì nhé:

  • Rủi ro đến từ sức khỏe, đau ốm, bệnh tật
  • Rủi ro mất việc, bị sa thải (bạn có biết câu chuyện Google sa thải 12.000 nhân viên tương đương 6% lực lượng lao động không ạ)
  • Rủi ro kinh doanh thua lỗ
  • Rủi ro đến từ tai nạn, hỏng xe, các mất mát xảy ra trong gia đình
  • Rủi ro đến từ các yếu tố bất khả kháng như: thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, chiến tranh, …

Xin lỗi vì mình đang nói toàn chuyện nghe không được may mắn ở đây. Nhưng cuộc sống mà, điều gì cũng có thể xảy ra. Quan trọng chúng ta phải có kế hoạch chủ động xử lý các tình huống xảy ra để giảm thiểu tối đa các tác động của các sự kiện không may mang lại.

Như vậy lúc này có một khoản tiền trong Quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn và gia đình an toàn thậm chí sống sót vượt qua các giai đoạn khó khăn, cùng quẫn nhất.

quỹ khẩn cấp là gì
Quỹ khẩn cấp là phao cứu sinh trong những thời điểm khó khăn về tài chính

Chẳng hạn, bạn mất việc bạn cần mất 3 – 4 tháng để tìm việc mới. Trong 3, 4 tháng đó, bạn sẽ sinh sống bằng gì?

Cũng cần lưu ý rằng Quỹ khẩn cấp không được dùng cho các mục đích khác (không mang tính cần thiết và khẩn cấp).

Chẳng hạn chúng ta sẽ không sử dụng Quỹ khẩn cấp để phục vụ tiền đi chợ ăn uống hàng tháng hay dùng Quỹ khẩn cấp để mua vé cho con đi xem phim. Mọi người hiểu ý của mình đúng không nào?

Quỹ khẩn cấp cũng cần để ở dạng thanh khoản nhất có thể (tức là dễ dàng chuyển về tiền mặt nhanh nhất). Tuy nhiên cũng không phải vì thế mà chúng ta để toàn bộ Quỹ khẩn cấp dưới dạng tiền mặt cất ở ket trong nhà.

Để ở đâu hài hòa giữa tính thanh khoản mà vẫn có sự tăng trưởng sẽ được mình giải đáp ở phần sau của bài viết. Bạn đọc tiếp nhé.

2. Vậy tại sao lại cần có Quỹ khẩn cấp?

Như đã trình bày ở trên khi có tình huống khẩn cấp phát sinh, việc có Quỹ khẩn cấp sẵn sàng trong tay sẽ giúp gia đình tránh tình huống bị động, túng quẫn.

Hiểu đơn giản thế này. Khi có rủi ro xảy đến, áp lực tài chính tăng cao, việc không dự trữ sẵn một lượng tiền và tương đương tiền sẽ khiến bạn phải tính đến các phương án khác như:

+ Vay mượn tiền với lãi suất cao. Chị em nào đã rơi vào cảnh vay mượn lãi suất cao, lãi mẹ đẻ lãi con thì chắc cũng biết tình cảnh sẽ khủng khiếp thế nào

+ Bán tài sản (nhà cửa, chứng khoán, …). Bạn có thể phải chấp nhận bán lỗ các khoản đầu tư chứng khoán hoặc bán các bất động sản mình đang sở hữu (bao gồm cả căn nhà bạn đang ở hoặc các BĐS đầu tư). Và bạn biết đấy để bán được tài sản (đặc biệt là bất động sản) trong thời gian ngắn hoàn toàn không phải là việc dễ dàng.

Mặc khác, Quỹ khẩn cấp còn là nền tảng quan trọng để bạn tiếp tục thực hiện các mục tiêu tài chính khác như: mua nhà, đầu tư cho con cái, chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu, …

Đừng đầu tư các hình thức rủi ro, đừng đi vay Ngân hàng mua nhà mua xe, đừng làm bất kỳ điều gì với tiền của gia đình bạn khi chưa có Quỹ khẩn cấp.

Vậy nha! Mình xin khẳng định lại một lần nữa Quỹ khẩn cấp là bắt buộc!

3. Bao nhiêu tiền là đủ cho Quỹ khẩn cấp?

Về lý thuyết, Quỹ khẩn cấp có giá trị tương đương 3 – 12 tháng chi phí sinh hoạt cần thiết hàng tháng của gia đình.

Tuy nhiên, lựa chọn con số 3, 6, 9 hay 12 tháng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Mình sẽ giải thích ý nghĩa số tháng này trong một bài viết khác.

Mọi người nhớ đăng ký email để nhận được thông báo (miễn phí) khi MMS có bài viết mới mỗi tuần nhé.

Có ba vấn đề mọi người cần lưu tâm tại đây:

Thứ nhất, mọi người không nên để quá ít hoặc quá nhiều tiền trong Quỹ khẩn cấp. Nếu quá ít thì đương nhiên là không đủ để bạn trang trải khi có biến cố. Nếu quá nhiều thì đương nhiên bạn cũng hiểu là để tiền ở dạng tiền mặt hoặc tương đương tiền như: vàng, tiền gửi Ngân hàng đều không giúp bạn có thể chiến thắng được lạm phát và sẽ vô cùng lãng phí khả năng “tăng trưởng” của tiền đúng không nào.

Thứ hai, chi phí để tính toán cho Quỹ khẩn cấp là chi phí sinh hoạt gia đình bạn cần chứ không phải mong muốn. Các chi phí cần thiết để duy trì sinh hoạt cho gia đình là gì? Sẽ phụ thuộc vào từng gia đình nhưng phần lớn sẽ bao gồm: chi phí ăn uống (không bao gồm ăn hàng), thuê nhà, xăng xe, điện nước, trả nợ Ngân hàng, tiền con cái, … Các chi phí muốn sẽ được loại trừ như: chi phí giải trí, chăm sóc bản thân, du lịch, quần áo, mua điện thoại iPhone đời mới nhất, …

Đơn giản vì nếu bạn đã rơi vào trường hợp khẩn cấp, bạn sẽ không thể và tất nhiên không còn nhu cầu chi cho những cái bạn muốn nữa.

Thứ ba, giá trị của Quỹ khẩn cấp sẽ thay đổi theo nhu cầu tài chính của bạn. Ví dụ, Quỹ khẩn cấp của bạn sẽ khác khi bạn độc thân với khi bạn kết hôn, sẽ khác khi bạn có một con với khi bạn có hai con. Vì vậy, hãy nhớ cập nhật lại giá trị Quỹ khẩn cấp thường xuyên (khoảng 1 năm/lần) để đảm bảo đã đáp ứng đầy đủ cho chi phí sinh hoạt của gia đình tại thời điểm hiện tại.

4. Cách có thể xây dựng Quỹ khẩn cấp nhanh

quỹ khẩn cấp
Ưu tiên xây dựng Quỹ khẩn cấp

Có thể với một số gia đình việc xây dựng Quỹ khẩn cấp có giá trị từ 3 – 12 tháng chi phí sinh hoạt cần thiết không phải là một vấn đề lớn.

Nhưng với nhiều gia đình đây hoàn toàn không phải là một mục tiêu dễ dàng.

Nhiệm vụ của chúng ta là xây được Quỹ khẩn cấp càng nhanh càng tốt vì đó là nền tảng quan trọng của tài chính cá nhân.

Bạn không nên làm bất kỳ điều gì với tiền của bạn như: đầu tư, vay nợ, chi tiêu lớn, … nếu như bạn chưa được bảo vệ bởi Quỹ khẩn cấp.

Mình sẽ gợi ý một vài cách mọi người có thể đẩy nhanh quá trình xây dựng Quỹ khẩn cấp cho gia đình ngay bây giờ nhé.

Cách 1: Tạm dừng đầu tư

Bạn có đang đầu tư tiền qua hình thức nào không? Chẳng hạn với trường hợp của mình thì mình đang đầu tư dưới hình thức tích sản qua fmarket. Tất nhiên là mình đã dự trữ sẵn 06 tháng chi phí sinh hoạt của gia đình vào Quỹ khẩn cấp trước khi thực hiện đầu tư rồi.

Nếu như bạn đang đầu tư mà chưa có Quỹ khẩn cấp, bạn cân nhắc tạm dừng việc đầu tư để ưu tiên xây Quỹ khẩn cấp trước nhé.

Cách 2: Tạm dừng chi cho những thứ bạn muốn

Tạm dừng việc ra hàng ăn, tạm dừng việc đi du lịch, tạm dừng order quần áo mỹ phẩm đến khi hoàn thành xong kế hoạch xây dựng quỹ khẩn cấp.

Bạn cũng thấy rằng các khoản chi mong muốn là khoản chi bạn hoàn toàn có thể không chi mà không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống nói chung.

Nhưng xét về chất lượng cuộc sống thì tất nhiên chúng ta không thể không chi các các khoản chi mà chúng ta muốn được. Vì vậy, việc tạm dừng nên chỉ trong một thời gian (có thể hiểu là chúng ta giảm bớt chứ không loại bỏ hoàn toàn) cho đến khi nhiệm vụ tiết kiệm cho Quỹ khẩn cấp được hoàn thành.

Cách 3: Đưa tất cả các khoản thu bất thường của bạn vào quỹ khẩn cấp

Bạn có một thu nhập ổn định hàng tháng để trang trải cho chi phí sinh hoạt cần thiết. Nhưng sẽ có lúc bạn nhận được một số khoản tiền bất ngờ (gọi vui là “từ trên trời rơi xuống” nha). Ví du như: tiền hoàn thuế TNCN, tiền thưởng đột xuất, thậm chí được người thân cho tiền hay tiền tips từ khách hàng.

Hãy đưa tất cả các khoản thu nhập phát sinh đó vào Quỹ khẩn cấp cho đến khi đủ để bảo vệ tài chính cho gia đình bạn nhé.

Cách 4: Làm thêm công việc tay trái

Bạn đã có các công việc chính, tuy nhiên thu nhập từ công việc chính hiện tại của bạn chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng chẳng hạn. Bạn đã tìm mọi cách cắt giảm chi phí nhưng đều không khả thi nên không thể xoay sở được nguồn để riêng cho Quỹ khẩn cấp.

Đây là lúc bạn cần nghĩ đến phương án tăng thu nhập bằng việc làm thêm các nghề tay trái. Trong đó cách dễ nhất là bạn có thể bán kỹ năng bạn có hoặc bán các sản phẩm mà không cần bỏ vốn.

Trong khuôn khổ bài viết này mình không thể gợi ý hết cho bạn về các ý tưởng tăng thu nhập với nghề tay trái. Mời bạn ghé thăm chuyên mục “Tăng thu nhập” của MMS tại đây để đọc thêm các bài viết khác nhé.

5. Để Quỹ khẩn cấp ở đâu cho phù hợp?

Chắc hẳn bạn cũng đã hiểu được bản chất của Quỹ khẩn cấp là cần có tính thanh khoản cao (khả năng quy đổi về tiền mặt dễ dàng) vì không ai biết được khi nào thì chúng ta sẽ cần dùng đến Quỹ khẩn cấp.

Có thể là ngay trong ngày mai, không ai dự đoán được.

Mặt khác cũng vì tính chất phát sinh nên cũng có thể “trộm vía” trong 6 tháng, thậm chí 1 năm tới, bạn cũng không có may mắn được sử dụng đến Quỹ khẩn cấp.

Như vậy nơi cất giữ Quỹ khẩn cấp cũng cần được xác định để hài hòa giữa yếu tố chủ động (sử dụng được ngay khi cần) và tính sinh lời (có được sự tăng trưởng vừa phải để tránh việc khoản tiền bị bào mòn bởi lạm phát).

Đây là gợi ý cách làm của mình. Mọi người có thể tham khảo còn quyết định thế nào sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân, gia đình nhé.

Chẳng hạn, nhà mình 2 vợ chồng 2 con, chi phí sinh hoạt cần thiết là 20 triệu đồng/tháng. Gia đình mình có 120 triệu quỹ khẩn cấp.

Trong đó 120 triệu đó mình phân chia tỷ lệ như sau:

+ Để 20% dưới dạng tiền mặt ở nhà (cất trong két). Lý do để tiền mặt là vì các lý do bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh việc tiếp cận cây ATM, Ngân hàng gặp khó khăn. 20% tiền mặt tương đương 24 triệu (làm tròn xuống 20 triệu).

+ Để 80% dưới dạng tiền gửi Ngân hàng, kỳ hạn 1 tháng. Kỳ hạn 1 tháng cho phép mình có thể rút gốc một phần mà không bị thiệt lãi suất quá nhiều đồng thời vẫn có một mức lãi suất nhất định để tiền tăng trưởng. Tất nhiên cũng phải chấp nhận là lãi suất tiền gửi Ngân hàng không đáng kể nhưng do tính chất của Quỹ khẩn cấp nên đây là sự lựa chọn phù hợp.

Mình đang sử dụng dịch vụ gửi tiền Ngân hàng tại Techcombank. Bạn có thể tham khảo các sản phẩm dịch vụ MMS đang sử dụng tại Trang Gợi ý nhé.

Thực ra trước đây mình có để một phần Quỹ khẩn cấp dưới dạng Quỹ mở trái phiếu nhưng hiện tại mình đã rút hết về tiền gửi Ngân hàng rồi.

Các hình thức đầu tư chứng chỉ Quỹ mình chỉ áp dụng với các mục tiêu tài chính dài hạn (từ 5 năm trở lên) và tất nhiên không dùng tiền trong Quỹ khẩn cấp để đi đầu tư.

6. Bảo hiểm nhân thọ với quỹ khẩn cấp có giống nhau không?

Gia đình bạn đang đóng bảo hiểm nhân thọ và bạn có thắc mắc là có thể sử dụng bảo hiểm nhân thọ như một loại Quỹ khẩn cấp được không?

Với quan điểm cá nhân của mình thì không.

Vì bảo hiểm nhân thọ không phải là sản phẩm phù hợp cho việc rút trước hạn. Bạn sẽ phải chịu khá nhiều loại phí nếu như bạn quyết định làm điều này dẫn đến thiệt hại khá nhiều.

Mặt khác, bảo hiểm (nhân thọ hoặc sức khỏe) chỉ bảo vệ cho các quyền lợi có liên quan đến tính mạng hay sức khỏe, trong khi các trường hợp bất khả kháng xảy ra trong cuộc sống ảnh hưởng đến tài chính rộng hơn thế (hỏng xe hay mất việc là một ví dụ rõ ràng).

Đó là lý do nếu có thể bạn nên duy trì Quỹ khẩn cấp bên cạnh các loại hình bảo hiểm bạn đang tham gia.

Chắc rằng sau bài viết đầy đủ này, bạn đã hiểu nhiều hơn về Quỹ khẩn cấp.

Nếu còn điều gì thắc mắc, bạn có thể để lại commment chúng ta cùng trao đổi chia sẻ nhé.

Nếu bạn thấy nội dung hữu ích hãy ủng hộ MMS một tách trà tại đây để chúng mình có thêm động lực tiếp tục sản xuất các nội dung hữu ích về tài chính cho chị em phụ nữ nhé.

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đọc thêm câu chuyện về Founder tại đây

Money Mom Sharing là kênh chia sẻ về tài chính cá nhân dành riêng cho phụ nữ được sáng lập bởi Lê Phương Thanh - chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận của NFEC Hoa Kỳ.

Sách Tài chính cá nhân
cho Mẹ Việt

"Tài chính cá nhân cho mẹ Việt" là quyển sách tài chính cá nhân thuần Việt đầu tiên viết dành tặng riêng cho phụ nữ, là quyển sách đầu tay chứa đựng nhiều tâm huyết của tác giả Lê Phương Thanh. Sách giúp nhiều phụ nữ Việt đã và sẽ làm mẹ có thể tự tin, độc lập về tài chính.

Tải ebook quản lý tài chính
miễn phí

Tải công cụ quản lý tài chính

Đăng ký email

Để lại email để đọc bản tin hàng tuần của MMS (miễn phí – giá trị & tuyệt đối không spam) bạn nhé!

Bạn đã tải file thử thách 21 ngày detox tài chính cá nhân và hình thành thói quen tiết kiệm chưa?

miễn phí

Hiệu quả của Thử thách đã được chứng minh bởi rất nhiều chị em phụ nữ!