Quản lý tài chính sau kết hôn

Quản lý tài chính sau kết hôn – Riêng hay chung là tốt?

Quản lý tài chính sau kết hôn cho các cặp vợ chồng là câu chuyện không chỉ của riêng ai, muôn hình vạn trạng. Vấn đề tiền bạc trong hôn nhân nếu ứng xử không hài hòa, khéo léo có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc và sự bền vững của cuộc hôn nhân.

Bản thân mình trong những ngày đầu mới lấy chồng, hai vợ chồng còn trẻ, thiếu kỹ năng quản lý tiền bạc cùng với áp lực về tài chính tăng lên khi sinh con đầu lòng đã khiến không ít lần hai vợ chồng giận dỗi, mâu thuẫn.

Giờ đây sau 10 năm hôn nhân (“trộm vía” vẫn êm đẹp) và sau thời gian tìm hiểu sâu hơn về tài chính cá nhân, mình đã rút ra được một vài bí quyết giúp quản lý tài chính cho vợ chồng tối ưu, hòa hợp và sẽ chia sẻ lại cho mọi người tại bài viết này. 

Những bạn nào đã kết hôn và đang gặp vướng mắc trong câu chuyện tiền chồng – tiền vợ hoặc những bạn trẻ chuẩn bị kết hôn cũng rất nên đọc nha.

1. Tìm hiểu về các phương pháp quản lý tài chính sau kết hôn phổ biến 

Về lý thuyết, hiện tại có hai phương pháp quản lý tài chính sau kết hôn phổ biến nhất đó là “Tiền chung về một mối” và “Hai túi tiền thông nhau”. Cùng mình tìm hiểu về hai phương pháp này nhé! 

  • Phương pháp “Tiền chung về một mối”
Quản lý tài chính sau hôn nhân_Tiền chung về một mối
Quản lý tài chính sau hôn nhân_Tiền chung về một mối

Đây là phương pháp khá truyền thống và hay được các gia đình Việt Nam áp dụng, đó là gom toàn bộ tiền về một mối duy nhất do vợ hoặc chồng nắm giữ “tay hòm chìa khóa”. Ở nước ta, thông thường người vợ sẽ giữ trọng trách này (chị em phụ nữ thông thường sẽ vun vén, tính toán chi tiêu, tiết kiệm hơn so với đàn ông). Mọi người lưu ý là “toàn bộ tiền” nhé, không ai được giữ lại bất kỳ khoản nào làm “quỹ đen” cả!

Tức là mỗi tháng chồng sẽ “nộp” hết tiền lương cho vợ và nhận lại từ vợ một khoản tiền tiêu vặt hàng tháng chẳng hạn.

Phương pháp này có ưu điểm là rất dễ thực hiện, dễ theo dõi tình hình chi tiêu, dễ tối ưu hóa hiệu quả (trong trường hợp quản lý đúng). 

Nhưng lại có một nhược điểm khá lớn là người chịu trách nhiệm chính phải chịu áp lực rất lớn và khả năng xảy ra mâu thuẫn khá cao trong trường hợp người chịu trách nhiệm đưa ra một quyết định tài chính “sai lầm”. Nhược điểm tiếp theo đó là thiếu sự chủ động trong chi tiêu cá nhân, vợ hoặc chồng không có được sự độc lập cần thiết trong tài chính.

  • Phương pháp “Hai túi tiền thông nhau”
Quản lý tài chính sau hôn nhân_Hai túi tiền thông nhau
Quản lý tài chính sau hôn nhân_Hai túi tiền thông nhau

Phương pháp này rất phổ biến tại nước ngoài. Tại Việt Nam, phương pháp này cũng được các gia đình trẻ ưa thích và bản thân gia đình mình cũng đang áp dụng. Khi áp dụng phương pháp quản lý này tức là cả hai vợ chồng đều tham gia vào quản lý tài chính gia đình đồng thời vẫn giữ lại cho mình một sự tự do nhất định.

Khi sử dụng phương pháp này, ngoài những chi phí sinh hoạt thông thường, đừng quên tính đến các chi phí dài hạn như: tiết kiệm tiền mua nhà, mua xe, phương án đầu tư tích lũy cho con du học, chuẩn bị nghỉ hưu, mua bảo hiểm nhân thọ…

Sau khi tính toán tổng chi phí chung mỗi tháng của gia đình là bao nhiêu, hai vợ chồng sẽ quyết định “tỷ lệ đóng góp” phù hợp với thu nhập của mỗi người và giữ lại một phần cho chi tiêu cá nhân. 

Mình dùng từ “tỷ lệ đóng góp” để bạn hiểu rằng việc đóng góp này không thể cố định chia 50/50. Ngay cả “tỷ lệ đóng góp” cũng hoàn toàn có thể điều chỉnh tùy từng giai đoạn cụ thể.

Một cách làm khác (nhưng có bản chất tương tự) đó là mỗi người chịu trách nhiệm cho một khoản chi nhất định. Chẳng hạn chồng chịu trách nhiệm đóng học cho con còn vợ lo tiền ăn uống hàng tháng.

2. Làm thế nào để hài hòa chuyện tiền bạc của vợ chồng và tránh những mâu thuẫn xung đột về tiền bạc không đáng có gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình?

  • Hãy thường xuyên có những “buổi nói chuyện về tiền bạc” (Money Talk)

Chủ đề về “tiền bạc” hoàn toàn không có chút xíu nào lãng mạn nhưng lại cực kỳ quan trọng, quyết định sự bền vững của cuộc hôn nhân.

Dù gia đình bạn chọn phương pháp quản lý tài chính nào, mấu chốt vẫn là bạn cần có những mục tiêu, kế hoạch tài chính chung. 

Một sai lầm thường gặp của mọi người là mọi người thường chỉ nghĩ đến các chi phí phát sinh hàng ngày, hàng tháng (chi phí sinh hoạt) mà quên đi các mục tiêu chung trong tương lai.

Hãy cùng ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, trao đổi về tình hình tài chính hiện tại và các kế hoạch trong tương lai của gia đình. 

Các kế hoạch nên được tính toán theo mốc thời gian để đảm bảo hai vợ chồng không bỏ sót bất kỳ một mục tiêu lớn nào.

Ví dụ như:

+ Mục tiêu tài chính ngắn hạn dưới 1 năm của hai bạn là: du lịch, học hành, chuyển việc, bắt đầu kinh doanh, …

+ Mục tiêu tài chính trung hạn từ 1 – 5 năm của hai bạn là: mua nhà, sửa nhà, mua xe ô tô, bảo hiểm nhân thọ, …

+ Mục tiêu tài chính dài hạn từ 5 năm trở lên của hai bạn là: cho con đi du học, nghỉ hưu sớm, …

Tất cả các mục tiêu này cần được chia nhỏ đưa vào ngân sách hàng tháng và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Sau đó hãy cùng nhau thống nhất tỷ lệ đóng góp tùy thuộc thu nhập của vợ và chồng đồng thời sẽ thống nhất cách quản lý tài chính, chi tiêu trong gia đình nhé!

Những cuộc “họp gia đình” (“money talk” như thế này nên được diễn ra khi cả hai vợ chồng ở trong tâm trạng thoải mái và vui vẻ để có thể đạt được “kết quả” tốt nhất. Bạn không thể yêu cầu một người trưởng thành (cụ thể ở đây là chồng bạn) chi tiêu 100% giống như cách bạn chi tiêu. Đừng tạo quá nhiều áp lực và đặt yêu cầu quá cao.

  • Luôn ghi nhớ nguyên tắc “Đồng thuận” với các mục tiêu chung

Sau khi kết hôn, hai bạn không còn là những cá thể độc lập nữa, sẽ có sự kết nối vì vợ chồng sẽ có những trách nhiệm, những khoản chi chung (như mình đã nói đến ở trên).

Sau khi bàn bạc, hai bạn đã thống nhất được các mục tiêu và cũng thống nhất việc ai sẽ quản lý khoản tiền đó. Dù giao cho ai quản lý thì đối với “Quỹ chung” (những khoản tiền chung, những quyết định ảnh hưởng đến tài chính chung của gia đình), đồng thuận là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng. Đừng quên trao đổi và đạt được sự thống nhất từ cả hai vợ chồng.  

Một ví dụ nhỏ để bạn hiểu hơn về nguyên tắc đồng thuận đó là giả sử chồng bạn dùng tiền sửa nhà vào cuối năm đầu tư vào cổ phiếu rác hay các hình thức đầu tư không hợp pháp và kết quả là mất trắng. Bạn sẽ cảm thấy thế nào?

  • Hãy cho nhau những không gian riêng, sự riêng tư cần thiết

Bạn phải chấp nhận một sự thật rằng mỗi người có một sở thích khác nhau, lớn lên trong môi trường hoàn cảnh khác nhau, vì vậy, không thể đòi hỏi chồng sẽ phải chi tiêu như bạn.

Bạn có thể thích váy vóc, mỹ phẩm, trang sức, giày dép, túi xách, đồng hồ. Trong khi chồng bạn mê mẩn với máy bay mô hình chẳng hạn.

Hay những câu chuyện tế nhị hơn một chút. Là đôi khi bạn muốn mua cho bố mẹ mình, anh chị em họ hàng, gia đình mình một món gì đó. Bạn sẽ cảm thấy ngại khi những khoản chi riêng tư (nhưng không quá trọng yếu, không ảnh hưởng đến tài chính chung của gia đình) mà phải đi hỏi ý kiến đối phương.

Giải pháp là hãy cho nhau những không gian riêng, gọi là Quỹ riêng đi nha.

Hãy thống nhất những nguyên tắc này trước ở các buổi “Money Talk”.

Bạn có quyền chi tiêu cho bản thân, cho các mục đích cá nhân khi đã hoàn thành các mục tiêu chung như trên mà không phải hỏi ý kiến chồng và ngược lại.

Quản lý tài chính sau kết hôn như thế nào cho tối ưu và hòa hợp giữa hai vợ chồng sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào mỗi gia đình. 

Hy vọng những chia sẻ tại bài viết này của Money Mom Sharing đã giúp bạn có thêm một vài ý tưởng để có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Nếu bạn thấy bài viết hay và hữu ích, hãy like và chia sẻ để nhiều người khác được biết đến nhé! Và nếu có thể, sao không mời Money Mom Sharing một tách cafe nhỉ?

Gia đình bạn đang quản lý tài chính như thế nào có thể chia sẻ với Money Mom Sharing ở dưới comment nhé.

Bạn có thể tìm thêm rất nhiều nội dung hữu ích giúp quản lý tài chính gia đình để có được nền tài chính an tâm và bền vững tại quyển sách “Tài chính cá nhân cho mẹ Việt” – quyển sách đã nhận được đánh giá 5* từ rất rất nhiều độc giả là phụ nữ (và cả đàn ông) nữa. Đặt sách tại đây bạn nhé!

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đọc thêm câu chuyện về Founder tại đây

Money Mom Sharing là kênh chia sẻ về tài chính cá nhân dành riêng cho phụ nữ được sáng lập bởi Lê Phương Thanh - chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận của NFEC Hoa Kỳ.

Sách Tài chính cá nhân
cho Mẹ Việt

"Tài chính cá nhân cho mẹ Việt" là quyển sách tài chính cá nhân thuần Việt đầu tiên viết dành tặng riêng cho phụ nữ, là quyển sách đầu tay chứa đựng nhiều tâm huyết của tác giả Lê Phương Thanh. Sách giúp nhiều phụ nữ Việt đã và sẽ làm mẹ có thể tự tin, độc lập về tài chính.

Tải ebook quản lý tài chính
miễn phí

Tải công cụ quản lý tài chính

Bài viết mới nhất

Đăng ký email

Để lại email để đọc bản tin hàng tuần của MMS (miễn phí – giá trị & tuyệt đối không spam) bạn nhé!

Bạn đã tải file thử thách 21 ngày detox tài chính cá nhân và hình thành thói quen tiết kiệm chưa?

miễn phí

Hiệu quả của Thử thách đã được chứng minh bởi rất nhiều chị em phụ nữ!