Phương pháp phong bì

03 bước áp dụng phương pháp Ngân sách phong bì trong việc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Bài viết này sẽ giới thiệu cho mọi người về ngân sách phong bì – một công cụ cực “thần thánh” giúp tiết kiệm tiền nhanh dành cho những gia đình có thu nhập còn khiêm tốn.

Bản thân gia đình mình cũng có một thời gian có kinh tế hết sức khó khăn.

Cách đây khoảng tầm 3 năm, mình mới sinh Cún (bạn thứ hai), mình cũng mới chuyển công tác từ vị trí quản lý của Ngân hàng (nơi có thu nhập cao) về làm kế toán (có thu nhập thấp hơn) đồng thời chồng mình đi học nước ngoài một thời gian nên không có thu nhập, cả gia đình chỉ sống dựa vào nguồn thu nhập duy nhất từ đồng lương kế toán “khiêm tốn” của mình.

Chưa kể thời gian đó mới sinh Cún nên chi phí sinh hoạt tăng lên đáng kể (tiền bỉm sữa chăm sóc em bé các loại), mình còn phải thuê thêm người giúp việc để hỗ trợ trong thời gian ông xã đi vắng.

Tuy nhiên, nhờ phương pháp ngân sách phong bì này mà “trộm vía” mình vẫn xoay sở được, vượt qua thời điểm khó khăn đó và vẫn có thể tiết kiệm được tiền.

Vậy ngân sách “phong bì” là gì mà lại “thần thánh” đến mức như vậy? Tại sao nói ngân sách “phong bì” là bí quyết tiết kiệm tiền dành cho người có thu nhập thấp? 

Trong bài viết này mình sẽ giúp mọi người trả lời những thắc mắc trên nhé.

1. Phương pháp ngân sách phong bì là gì?

Ngân sách phong bì
Ngân sách phong bì

Phương pháp ngân sách “phong bì” hay trong Tiếng Anh gọi là “Envelope Budget” là một những cách thiết lập ngân sách truyền thống, kinh điển trong tài chính cá nhân. Đến thời điểm hiện tại, khi công nghệ số lên ngôi, đã có một số phương pháp thiết lập ngân sách khác thay thế, nhưng tại một số trường hợp cụ thể, ngân sách “phong bì” vẫn có những ưu điểm riêng của nó.

Mấu chốt của phương pháp ngân sách “phong bì” là sẽ thực hiện chi tiêu hoàn toàn bằng TIỀN MẶT và chỉ chi tiêu trong phạm vi số tiền đã LÊN KẾ HOẠCH từ đầu tháng.

Tại sao lại sử dụng tiền mặt trong khi hiện tại các app Ngân hàng, ví điện tử, thẻ tín dụng, … đang phát triển một cách chóng mặt và mang đến cho người dùng sự thuận tiện vô cùng lớn?

Đó là chỉ khi cầm trên tay tiền mặt – những đồng tiền “mồ hôi nước mắt” do mình làm gì thì việc kiểm soát chi tiêu mới thực sự hiệu quả.

Khi dùng tiền trong app Ngân hàng/ví điện tử/thẻ tín dụng, việc thanh toán quá dễ dàng đôi khi khiến mình không có cảm giác “bị mất tiền” giống như lúc rút tiền mặt ra khỏi ví. 

Khi sử dụng tiền mặt để chi tiêu, chắc chắn chúng ta sẽ đôi chút có cảm giác “ngập ngừng”, giảm đáng kể tình trạng chi tiêu thiếu kiểm soát, chi tiêu lãng phí, thậm chí chi tiêu vượt quá số tiền chúng ta kiếm được (nếu bạn lạm dụng thẻ tín dụng).

Ngoài ra việc hạn chế bản thân chi tiêu bằng cách chỉ chi tiêu trong phạm vi số tiền đã LÊN KẾ HOẠCH từ đầu tháng còn giúp bạn tạo tính kỷ luật trong chi tiêu và tiết kiệm. 

Vậy cách thức thực hiện phương pháp ngân sách phong bì cụ thể như thế nào? Mình sẽ hướng dẫn mọi người tại phần tiếp theo nhé.

2. Các bước lập ngân sách “phong bì”

Ngân sách phong bì
Các bước lập ngân sách “phong bì”

Dưới đây là 3 bước hướng dẫn bạn áp dụng phương pháp Ngân sách phong bì trong việc thiết lập ngân sách:

Bước 1 – Tổng hợp thu nhập

Nếu bạn nhận lương vào tài khoản Ngân hàng, bạn sẽ có thêm một bước là ra cây ATM rút tiền mặt về. 

Tất nhiên bạn sẽ ít nhiều cảm thấy “phiền hà”, mất thời gian với việc sử dụng tiền mặt như vậy. Nhưng mình xin nhắc lại bạn chỉ nên sử dụng ngân sách “phong bì tiền mặt” nếu gia đình bạn đang trong điều kiện kinh tế hết sức eo hẹp và bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi tiêu.

Bạn cũng có thể “linh hoạt” áp dụng nguyên tắc của phương pháp này sang “phong bì tiền Ngân hàng”. Tức là từ tài khoản nhận lương của mình chia về nhiều tài khoản Ngân hàng, mỗi tài khoản ứng với một nội dung chi cụ thể. Nhưng một lần nữa, nếu bạn thực sự muốn thắt chặt chi tiêu một cách NGHIÊM TÚC và trong THỜI GIAN NGẮN, sử dụng tiền mặt có thể sẽ có ưu điểm hơn.

Nếu bạn nhận lương bằng tiền mặt, việc của bạn chỉ là gom toàn bộ số tiền bạn kiếm được về một mối. 

Bước 2 – Chia tiền thành từng loại phong bì với mục tiêu khác nhau

Bạn có thể sử dụng phong bì. Hoặc nếu bạn không có phong bì, bạn có thể tận dụng những phong bao lì xì của năm cũ (mình hay tận dụng phong bao lì xì để đỡ phải mua mới phong bì) hoặc bạn có thể tự gấp phong bì bằng giấy thông thường. Tác dụng y hệt nhau không có gì khác biệt.

Bạn sẽ chia các chi phí biến đổi của gia đình mình trong tháng thành các đầu mục chi cụ thể, mỗi một đầu mục chi tương ứng với một chiếc phong bì.

Mọi người lưu ý là chi phí chi tiêu trong gia đình sẽ bao gồm chi phí cố địnhchi phí biến đổi.

  • Chi phí cố định là chi phí không thay đổi (hoặc gần như không thay đổi) giữa tháng này với tháng khác

Ví dụ: tiền thuê nhà, học phí cho con, điện nước xăng xe, đóng bảo hiểm, trả nợ, tiền điện thoại, …

Để tiết kiệm thời gian, bạn không nhất định phải bỏ vào phong bì với các khoản chi phí cố định hàng tháng (bạn bỏ vào phong bì làm gì khi đằng nào cũng phải bỏ ra từng đấy tiền để thanh toán hàng tháng?). 

Với những chi phí cố định, bạn chỉ cần chủ động đi thanh toán vào đầu mỗi tháng.

Thực tế là cắt giảm chi phí cố định sẽ khó hơn so với việc cắt giảm chi phí biến đổi. Tất nhiên cũng sẽ có cách cắt giảm chi phí cố định (chẳng hạn như thuê nhà chỗ khác hay chuyển trường học có học phí rẻ hơn cho con, …). Nhưng nhìn chung do mức độ “khó thay đổi” của chi phí cố định nên bạn có thể không cần bỏ phong bì với các khoản chi này. 

  • Chi phí biến đổi là chi phí thay đổi giữa tháng này với tháng khác

Chi phí biến đổi có thể bao gồm:

+ Ăn uống

+ Chăm sóc bản thân (quần áo, mỹ phẩm, spa, móng, …)

+ Ăn hàng, giải trí

+ Mua đồ gia dụng, sữa tắm, bột giặt, kem đánh răng, …

+ Chi tiêu cho con cái (quần áo, tiền học ngoài học phí, đồ chơi, sức khỏe, vật dụng khác)

+ Chi phí “đối ngoại” (ma chay hiếu hỉ, đối nội đối ngoại, …)

Bạn thấy đấy những chi phí biến đổi này ở phần lớn các trường hợp đều dễ dàng cắt giảm hơn so với chi phí cố định. Tùy thuộc vào mỗi gia đình, điều kiện kinh tế, phong cách sống, … mà các đầu mục chi phí biến đổi cũng như số tiền quy định cho mỗi phong bì sẽ khác nhau.

Một mẹo nhỏ dành cho mọi người là không nên chia nhỏ hoặc không nên có ít đầu mục chi phí quá. Cả hai trường hợp này đều dẫn đến tình trạng là khó quản lý. Với kinh nghiệm cá nhân của mình, số lượng phong bì tương ứng với số lượng chi phí biến đổi của mỗi gia đình đến dao động quanh mức 6 (5, 6, 7 chiếc phong bì là phù hợp). 

Bước 3 – Ghi chép chi tiêu

Giả sử bạn có 6 phong bì với 6 đầu mục chi phí như sau:

+ Ăn uống – 5 triệu

+ Chăm sóc bản thân (quần áo, mỹ phẩm, spa, móng, … – 500k

+ Ăn hàng, giải trí – 300k

+ Mua đồ gia dụng, sữa tắm, bột giặt, kem đánh răng, … 200k

+ Chi tiêu cho con cái (quần áo, tiền học ngoài học phí, đồ chơi, sức khỏe, vật dụng khác) – 1tr

+ Chi phí “đối ngoại” (ma chay hiếu hỉ, đối nội đối ngoại, …) – 500k

Mỗi lần lấy tiền ra khỏi phong bì để chi tiêu, bạn sẽ ghi ngày chi tiêu, số tiền đã chi tiêu vào mặt sau của phong bì.

Cuối tháng bạn sẽ tổng kết lại số dư của mỗi phong bì.

3. Điều gì quyết định sự thành công của phương pháp ngân sách “phong bì”

Ngân sách phong bì khá mất thời gian và không quá thuận tiện (do yếu tố tiền mặt) nhưng cực kỳ phù hợp với những gia đình muốn thắt chặt chi tiêu. 

Để thành công trong việc tiết kiệm tiền bất chấp thu nhập của gia đình còn khiêm tốn, bạn cần phải ghi nhớ vài nguyên tắc sau:

  • Nguyên tắc 1: chỉ chi tiêu trong phạm vi số tiền bạn có trong phong bì. Nếu chẳng may tiêu hết phải đợi đến tháng sau. 
  • Nguyên tắc 2: bạn có thể mượn tiền từ phong bì khác (nếu còn). Nhưng điều đó nhìn chung vi phạm nguyên tắc của quy tắc phong bì nên cực kỳ hạn chế việc mượn.
  • Nguyên tắc 3: đến cuối tháng tổng kết lại tiền tại bất kỳ phong bì nào đó còn dư, bạn hãy ngay lập tức chuyển số tiền dư đó sang một tài khoản tiết kiệm tích lũy có lãi suất cao. 

Hiện tại, có rất nhiều Ngân hàng cung cấp các gói tiết kiệm tích lũy với lãi suất cạnh tranh và việc mở tài khoản hiện nay cũng rất đơn giản. Bạn có thể trải nghiệm ngay với việc mở thẻ Techcombank (tại đây), hoặc MBBank (tại đây) online với thủ tục đơn giản và nhanh chóng.

Kết luận:

Tất nhiên khi gia đình mình có thu nhập khiêm tốn, bạn sẽ phải tìm cách để kiếm thêm tiền (làm thêm nghề tay trái hay chuyển việc khác có lương cao hơn) nhưng đó là bước thứ 2. Bước đầu tiên bạn cần làm đó là cắt giảm, kiểm soát chi tiêu, đưa toàn bộ chi tiêu trong gia đình về mức CẦN THIẾT (không có khoản chi tiêu nào lãng phí, không cần thiết cả). 

Hy vọng cùng với các phương pháp thiết lập ngân sách khác (Phương pháp 50/30/20, phương pháp ZBB, phương pháp 6 chiếc lọ…), phương pháp ngân sách “phong bì” này sẽ hữu ích cho bạn trong việc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả!

Chúc mọi người thành công với phương pháp ngân sách “phong bì” và có thể tiết kiệm tiền một cách hiệu quả bất chấp thu nhập của mình vẫn còn hạn hẹp. 

Bạn thấy bài viết hữu ích? Cân nhắc mời mình và team Money Mom Sharing một ly café latte tại đây nhé.

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đọc thêm câu chuyện về Founder tại đây

Money Mom Sharing là kênh chia sẻ về tài chính cá nhân dành riêng cho phụ nữ được sáng lập bởi Lê Phương Thanh - chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận của NFEC Hoa Kỳ.

Sách Tài chính cá nhân
cho Mẹ Việt

"Tài chính cá nhân cho mẹ Việt" là quyển sách tài chính cá nhân thuần Việt đầu tiên viết dành tặng riêng cho phụ nữ, là quyển sách đầu tay chứa đựng nhiều tâm huyết của tác giả Lê Phương Thanh. Sách giúp nhiều phụ nữ Việt đã và sẽ làm mẹ có thể tự tin, độc lập về tài chính.

Tải ebook quản lý tài chính
miễn phí

Tải công cụ quản lý tài chính

Đăng ký email

Để lại email để đọc bản tin hàng tuần của MMS (miễn phí – giá trị & tuyệt đối không spam) bạn nhé!

Bạn đã tải file thử thách 21 ngày detox tài chính cá nhân và hình thành thói quen tiết kiệm chưa?

miễn phí

Hiệu quả của Thử thách đã được chứng minh bởi rất nhiều chị em phụ nữ!