kinh nghiệm du lịch với con nhỏ

Mẹ hai con chia sẻ kinh nghiệm du lịch với con nhỏ tiết kiệm mà vẫn đầy đủ với 8 bước chuẩn bị

Bài viết này mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm du lịch với con nhỏ tiết kiệm mà vẫn đầy đủ xuất phát từ trải nghiệm cá nhân là gia đình mình sắp có chuyến “phượt” bằng ô tô từ Hà Nội vào Đà Nẵng 9 ngày 8 đêm nhân dịp Thỏ và Cún nghỉ hè.

Thực ra đây là chuyến du lịch xa đầu tiên bằng ô tô của nhà mình. Chồng mình đã thích đi như vậy từ lâu nhưng trước Cún còn nhỏ nhưng mình vẫn còn lăn tăn. Hè này Cún được 4 tuổi và cũng không còn say xe như hồi bé nữa nên mình quyết định cho các con trải nghiệm một lần.

Được đi du lịch luôn là một mơ ước của phần đông chúng ta. Nhưng du lịch thế nào cho tiết kiệm trong thời kỳ bão giá để không vượt quá ngân sách của gia đình, không ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính khác trong khi vẫn có thể “thoải mái hưởng thụ” lại là một bài toán khó giải.

Bài viết này sẽ chia sẻ tất cả các kinh nghiệm mà mình nghĩ gia đình nào cũng cần đọc (đặc biệt với các gia đình đi du lịch với con nhỏ) nhé.

1. Xác định địa điểm, thời gian và thành phần đi du lịch

Một kế hoạch du lịch sẽ bắt đầu với địa điểm (bạn đi đâu), thời gian (bao giờ bạn định đi và đi đến bao giờ thì về) và thành phần (bạn đi với những ai).

Ví dụ với chuyến đi hè này của nhà mình thì:

Địa điểm là Đà Nẵng

Thời gian từ 3/6 – 11/6 (9 ngày 8 đêm)

Và thành phần chỉ có gia đình mình là: mình, chồng mình và Thỏ (9 tuổi), Cún (4 tuổi).

Khi chọn địa điểm và thời gian du lịch sẽ có một điều bạn cần cân nhắc đó là khi chúng ta đi vào mùa cao điểm thì giá cả bao giờ cũng cao hơn và cũng đông đúc, chật chội hơn, kéo theo đó là chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, ăn uống, vui chơi cũng đi xuống (đây là điều không tránh khỏi).

Mặc dù vậy, bạn cũng không nên đi du lịch vào mùa có thời tiết không phù hợp (chẳng hạn đi du lịch biển vào mùa mưa) chỉ với mục đích tiết kiệm tiền.

Mấu chốt ở đây là chúng ta cần tìm điểm cân bằng giữa chi phí, địa điểm và thời gian phù hợp với các thành viên trong gia đình nữa.

2. Tham khảo tổng hợp một số thông tin cần thiết về chuyến đi

Sau khi đã xác định được các thông tin cơ bản về chuyến đi tại Mục 1, bây giờ bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm các thông tin tham khảo có liên quan.

Bạn hoàn toàn có thể tìm trên Goole chỉ bằng một vài dòng tìm kiếm nhưng kinh nghiệm cá nhân của mình là nên tìm kiếm các bài chia sẻ thực tế được đăng tải trên các Facebook Group có liên quan thì sẽ có nhiều hơn các bài chia sẻ.

Ví dụ mình quan tâm đến đi du lịch phượt bằng ô tô và với gia đình có con thì một vài Group mình tìm được các bài chia sẻ hữu ích từ các bố mẹ đó là: OFFB, Cho trẻ ra ngoài chơi, kinh nghiệm đi du lịch cùng con hay thậm chí Phượt S+.

Và một số Group cụ thể liên quan đến địa điểm mình sẽ tới. Chẳng hạn mình đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng sẽ dừng lại tại Vinh, Quảng Bình, Huế và Đà Nẵng. Mình cũng tham khảo thêm thông tin tại Group Chia sẻ kinh nghiệm du lịch của mỗi tỉnh, thành phố cụ thể.

Sau đó mình lưu lại toàn bộ các bài viết cảm thấy có giá trị tham khảo vào một file chung (mình sử dụng File Google Sheet).

3. Bạn cần chuẩn bị bao nhiêu tiền cho chuyến đi?

Nhà mình thường có một ngân sách cho du lịch mỗi năm và cố gắng phấn đấu mỗi năm sẽ đi du lịch từ 2 – 3 chuyến. Đó là một cách cân bằng lại cuộc sống và là những trải nghiệm khó quên với các con nên dù công việc bận rộn và có rất nhiều mục tiêu tài chính khác, du lịch vẫn là một hạng mục mà mình và chồng luôn cố gắng sắp xếp tài chính và thời gian để cả gia đình “lên đường” khám phá các vùng đất mới.

có phương án tiết kiệm tích lũy cho quỹ du lịch
Có phương án tiết kiệm, tích lũy cho Quỹ du lịch

Quỹ du lịch là loại Quỹ sẽ sử dụng đến trong ngắn hạn (dưới 1 năm) nên mình thường để dưới dạng tiền gửi tích lũy qua hai hình thức chính là tích lũy qua app của Ngân hàng Techcombank và tích lũy qua app Tikop. Tích lũy qua Tikop sẽ được lãi suất cao hơn một chút so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng.

Bạn có thể thử mở tài khoản tại Techcombank tại đây và tải app Tikop trên Apple Store/CH Google Play, nhập mã NZFATI để được nhận 15k vào tài khoản.

Đó là Quỹ tiết kiệm cho du lịch (Travelling Sinking Fund) của gia đình mình trong một năm còn thực tế thì chuyến đi Hà Nội – Đà Nẵng đợt này chỉ chiếm một phần trong Quỹ du lịch.

Để xác định cụ thể chuyến đi này của nhà mình có giá bao nhiêu, mình đã làm các cách cụ thể như sau:

Về cơ bản, mỗi chuyến du lịch chỉ bao gồm các loại chi phí lớn như sau:

  • Chi vé máy bay
  • Chi lưu trú khách sạn
  • Chi hoạt động vui chơi
  • Chi ăn uống
  • Chi cho việc di chuyển đi lại trong địa điểm du lịch
  • Chi mua sắm, quà cáp
  • Và các khoản chi khác.

Tuy nhiên, để có được một kế hoạch chi phí cho chuyến đi, bạn sẽ cần lên kế hoạch lịch trình chi tiết cho từng ngày.

Bạn đi đâu? Ăn gì? Chơi gì? Nghỉ ở đâu?

Bạn có thể tham khảo File Google Sheet độc quyền của team MMS để lên được kế hoạch chi phí cho chuyến đi trong nước tại đây và chuyến đi nước ngoài tại đây.

Mình đã sử dụng nó để lên kế hoạch chi phí và lịch trình ăn chơi chi tiết của gia đình cho chuyến đi Hà Nội Đà Nẵng rất dài ngày của gia đình mình cụ thể như thế này:

lịch trình chi tiết
lịch trình chi tiết

Thay vì cố “đoán” xem mình cần chuẩn bị bao nhiêu tiền hoặc chi tiêu quá tay, dành chút xíu thời gian lên kế hoạch sẽ giúp bạn chủ động hơn về tài chính cũng như chuẩn bị trước cho các hoạt động du lịch để có được một chuyến du lịch tiết kiệm mà vẫn chu đáo và trải đầy trải nghiệm đáng nhớ.

Để lên được lịch trình chi tiết (như trong hình), mình đã sử dụng công cụ Google Maps để ước lượng quãng đường và thời gian di chuyển phù hợp với các con. Tránh việc đi trong thời gian liên tục quá dài mà luôn phải thiết kế thời gian dừng chân nghỉ ngơi giữa các quãng đường phù hợp.

4. Hãy ghi chú lại những việc cần hoàn thành trước chuyến đi

Vì gia đình mình đi du lịch ô tô nên mình không cần nhiệm vụ đặt vé máy bay.

Mình cũng không có ý định đặt trước phòng khách sạn để đảm bảo tính linh hoạt của lịch trình. Biết đâu trong quá trình di chuyển, khi đi ngang một địa điểm nào đó quá đẹp nhà mình sẽ quyết định nghỉ lại đó và thay đổi một chút so với kế hoạch ban đầu.

Mặc dù không đặt trước khách sạn nhưng mình cũng vẫn sử dụng Agoda, Booking, … để tìm hiểu trước và ghi chú lại những khách sạn, homestay mà mình thấy phù hợp về ngân sách, vị trí, tiện tích, … so với nhu cầu của gia đình mình.

Nhưng mình sẽ cần mua sắm thêm một số vật dụng cần thiết cho các con mà ở nhà chưa có sẵn như: mũ mềm, kem chống nắng hay đồ bơi chống mất nhiệt.

Việc ghi chép lại tất cả những việc cần chuẩn bị trước chuyến đi sẽ giúp bạn chủ động, đảm bảo không bỏ sót bất kỳ điều gì cho chuyến du lịch sắp tới của gia đình.

5. Chia sẻ thêm về kinh nghiệm đặt vé máy bay & khách sạn

Mặc dù chuyến này gia đình mình không đi máy bay nhưng với những chuyến du lịch di chuyển bằng máy bay thì mình thường dùng công cụ Sky Scanner để tìm được giá vé máy bay tốt nhất.

skyscanner

Sky Scanner là app/website giúp mọi người tìm kiếm, so sánh để tìm được chuyến bay tốt nhất vô cùng hiệu quả. Nếu có thể sắp xếp được thời gian linh hoạt một chút, bạn có thể thay đổi một vài lựa chọn thời gian để được một mức giá tốt hơn. Ví dụ thay vì bay về vào ngày Chủ nhật, bạn có thể xin nghỉ phép vào ngày hôm sau để bay về vào ngày thứ 2. Bạn sẽ vô cùng bất ngờ vì sự thay đổi rất lớn của mức giá chỉ vì một thay đổi rất nhỏ về thời gian bay này.

Tương tự nguyên tắc như vậy với tìm kiếm địa điểm lưu trú.

Nếu bạn đi du lịch trong nước và có ý định nghỉ tại một số resort, khách sạn cao cấp, một lựa chọn khác bạn có thể cân nhắc thêm đó là mua combo du lịch qua các đại lý. Combo du lịch thường bao gồm cả phần vé máy bay và lưu trú, thông thường sẽ có giá tốt hơn khá nhiều so với việc mình đặt lẻ và cũng tiết kiệm thời gian cho bạn hơn khi không phải tự tay đặt vé cũng như khách sạn.

Bạn có thể tham khảo một vài Facebook Group bán combo du lịch để tìm được các deal giá hời. Mặc dù vậy nếu tìm kiếm combo du lịch, hãy đảm bảo bạn tìm được một đại lý du lịch thực sự uy tín để tránh những rủi ro không đáng có.

Với phần lưu trú, những gia đình đi du lịch cùng con nhỏ cũng có thể cân nhắc lựa chọn homestay thay vì khách sạn để chủ động hơn trong việc nấu ăn dặm cho bé chẳng hạn. Thực ra thì hai bạn nhà mình cũng lớn và có thể ăn được đa dạng thức ăn bên ngoài nên mình thường sẽ đặt luôn khách sạn nếu ở ngắn ngày. Trường hợp ở dài ngày thì mặc dù con lớn nhưng mình vẫn lựa chọn homestay vì tính linh hoạt (có thể mình sẽ đi chợ và tự nấu một vài bữa) và thông thường homestay cũng có giá tốt hơn khi mình ở trong thời gian dài.

Khi đặt địa chỉ lưu trú, bạn cũng cần phải biết gia đình mình ưu tiên tiêu chí nào (vị trí địa điểm tiện di chuyển, tiện ích, giá cả và “vibe” – không khí, cảm xúc) để lựa chọn. Vì mình đi du lịch cùng gia đình với các con nên mình ưu tiên địa điểm => tiện ích => giá => “vibe”.

Cũng đừng quên tìm kiếm review và so sánh giá đa kênh để tìm được một địa chỉ khách sạn hay homestay phù hợp nhất nhé.

6. Chia sẻ thêm về kinh nghiệm ăn & chơi

Thông tin địa điểm ăn uống và vui chơi có thể tìm thấy rất nhiều trên Google. Nhưng có một sự thật là khá nhiều các cửa hàng ăn uống hay địa điểm vui chơi trả tiền để được quảng cáo hiển thị trên Google.

Một số quán ăn chỉ dành riêng cho khách du lịch cũng thường có mức giá rất đắt đỏ chưa tính đến sự đông đúc.

Gia đình mình thường thích ăn những quán mà dân địa phương (local) hay ăn, không cần phải là những quán quá sang chảnh mà ưu tiên tiêu chí ngon – bổ – rẻ.

Vậy thì kinh nghiệm của mình ở đây là hãy hỏi dân địa phương (ask local). Ví dụ hồi Đại học mình có mấy đứa bạn sống ở Nghệ An, Quảng Bình. Nhân tiện đợt này đi du lịch có dừng lại nghỉ tại ở địa điểm này, mình sẽ inbox hỏi thăm chúng nó giới thiệu cho một vài địa chỉ ăn uống ngon – bổ – rẻ mà chỉ dân “local” mới biết.

Hoặc mình cũng hay lân la hỏi ha các bạn lễ tân khách sạn. Thường các bạn lễ tân cũng có rất nhiều lời khuyên hữu ích và uy tín về địa điểm ăn uống và vui chơi.

hỏi người địa phương
hỏi người địa phương

Như vậy, để tìm được quán ăn ngon nhất, phù hợp nhất, bí quyết ở đây là kết hợp giữa nhiều nền tảng, tra cứu của Google, lang thang trên Facebook (đặc biệt là Facebook Group) và nhớ là nên hỏi thăm cả người dân địa phương nữa.

Về việc ăn uống cho các con. Mình cũng chuẩn bị sẵn một ít đồ ăn vặt, nước uống và sữa cho các con. Mình cũng không chuẩn bị trước quá nhiều vì hai bạn không ăn uống chế độ đặc biệt mà mình hoàn toàn có thể mua thêm tại bất kỳ đâu.

Hồi mình cho Thỏ đi du lịch lúc 8 tháng thì mình có kết hợp cho con ăn đồ ăn dặm đóng gói sẵn và tự nấu cháo cho con ở homestay, đồng thời chuẩn bị một ít bánh ăn dặm và sữa công thức cho con. Tùy vào nhu cầu ăn uống của con mà mẹ sẽ cần chuẩn bị đồ phù hợp.

Khi lên kế hoạch lịch trình chi tiết, đi lại, ăn uống, vui chơi, bạn cần xác định rõ phong cách du lịch của mình. Mình đi du lịch với con nhỏ thì có thể theo phong cách nghỉ ngơi còn các bạn độc thân hoặc các gia đình có con lớn rồi thì có thể thiết kế các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá nhiều hơn.

7. Đóng gói hành lý sẵn sàng lên đường (kinh nghiệm du lịch với con nhỏ)

Bước chuẩn bị hành lý sẵn sàng trước khi đi du lịch vô cùng quan trọng đặc biệt khi bạn đi du lịch với on nhỏ và đi du lịch nước ngoài.

Mình trước đây thường ghi chú những món đồ cần chuẩn bị khá “linh tinh” dẫn đến nhiều lần chuẩn bị hành lý lúc thừa, lúc thiếu.

Gần đây khi có File Kế hoạch du lịch của MMS, mình đã có một công cụ hữu hiệu giúp mình chuẩn bị hành lý hiệu quả hơn.

Mỗi thành viên sẽ có một cột hành lý riêng và chia theo các hạng mục hành lý như: Giấy tờ – Quần áo – Đồ dùng cá nhân – Đồ công nghệ – Các vật dụng khác.

chuẩn bị hành lý theo từng thành viên và hạng mục để không sót

Một vài món đồ cần thiết khi đi du lịch cùng các con (bên cạnh hạng mục quần áo, bỉm sữa, ăn uống) mà các mẹ nên chuẩn bị trước như: cặp nhiệt độ, thuốc hạ sốt, khẩu trang, urgo, men tiêu hóa, giấy ướt, nước rửa tay khô, cốc giữ nhiệt, chăn gối mỏng hay thậm chí cả món đồ chơi, cuốn sách con yêu thích.

Một vài món đồ quan trọng khác cũng cần thiết cho mọi chuyến du lịch như: giấy tờ, sạc điện thoại, kem đánh răng, bàn chải, khăn tắm, mỹ phẩm, …

Cũng đừng quên xem trước dự báo thời tiết để chuẩn bị quần áo cho phù hợp. Nếu trời lạnh thì cần phải bổ sung thêm quần áo ấm cho gia đình, đặc biệt là các con chẳng hạn.

Mình đã ghi chú giúp mọi người các món đồ cần thiết (theo kinh nghiệm của mình) trong File Kế hoạch chi tiêu du lịch của MMS. Mọi người có thể sử dụng tham khảo, thêm bớt cần thiết theo nhu cầu cá nhân nhé.

8. Phương tiện thanh toán khi đi du lịch

Mình thường thanh toán bằng thẻ tín dụng, tài khoản Ngân hàng và không cầm theo quá nhiều tiền mặt khi đi du lịch. Hiện tại việc thanh toán không dùng tiền mặt đã quá phổ biến (đặc biệt là tại khách sạn, địa chỉ ăn uống, khu vui chơi lớn) nên bạn không cần mang nhiều tiền mặt đi theo người để tránh rủi ro.

Mặc dù vậy bạn cũng nên cầm theo một ít tiền mặt phục vụ cho các khoản chi nho nhỏ khi nhiều người bán nhỏ lẻ tại địa phương chưa có thói quen sử dụng tiền Ngân hàng.

Hy vọng bạn thấy bài viết chia sẻ kinh nghiệm du lịch với con nhỏ của mình hữu ích. Để lại comment nếu bạn có các mẹo chuẩn bị cho du lịch hữu ích khác để chúng ta cùng trao đổi, chia sẻ giá trị nhé.

File Lập kế hoạch du lịch trong nước của MMS mời bạn tham khảo tại đây.

File Lập kế hoạch du lịch nước ngoài của MMS mời bạn tham khảo tại đây.

Đừng quên để lại email để nhận bản tin hàng tuần miễn phí và giá trị của team MMS (phần dưới cùng ở website).

Mời bạn tham gia cộng đồng “Money Mom Sharing – Tài chính cá nhân & Nghề tay trái cho mẹ Việt” cùng chúng mình tại đây nữa nhé!

 

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đọc thêm câu chuyện về Founder tại đây

Money Mom Sharing là kênh chia sẻ về tài chính cá nhân dành riêng cho phụ nữ được sáng lập bởi Lê Phương Thanh - chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận của NFEC Hoa Kỳ.

Sách Tài chính cá nhân
cho Mẹ Việt

"Tài chính cá nhân cho mẹ Việt" là quyển sách tài chính cá nhân thuần Việt đầu tiên viết dành tặng riêng cho phụ nữ, là quyển sách đầu tay chứa đựng nhiều tâm huyết của tác giả Lê Phương Thanh. Sách giúp nhiều phụ nữ Việt đã và sẽ làm mẹ có thể tự tin, độc lập về tài chính.

Tải ebook quản lý tài chính
miễn phí

Tải công cụ quản lý tài chính

Đăng ký email

Để lại email để đọc bản tin hàng tuần của MMS (miễn phí – giá trị & tuyệt đối không spam) bạn nhé!

Bạn đã tải file thử thách 21 ngày detox tài chính cá nhân và hình thành thói quen tiết kiệm chưa?

miễn phí

Hiệu quả của Thử thách đã được chứng minh bởi rất nhiều chị em phụ nữ!