Bài viết này mình sẽ hướng dẫn đầu tư Quỹ mở trên fmarket từ A – Z cho người mới (gọi là một bài viết cầm tay chỉ việc cho những chị em chưa rõ về cách thức đầu tư chứng chỉ Quỹ tại ứng dụng fmarket nhé).
Ở bài viết trước mình đã giúp các chị em phân tích về Quỹ ETF và Quỹ mở (nếu mọi người còn “lơ mơ” về hai khái niệm này thì đọc lại bài viết trước của mình tại đây).
Xét ở một góc độ việc đầu tư Quỹ mở khá phù hợp với chị em phụ nữ do không phải thao tác đặt lệnh như với Quỹ ETF đồng thời lại có được sự hỗ trợ, chăm sóc kỹ càng từ các công ty quản lý Quỹ. Tuy nhiên, chắc cũng nhiều chị em thắc mắc đầu tư Quỹ mở theo cách nào thì bài viết này mình sẽ hướng dẫn đầu tư Quỹ mở trên fmarket để mọi người hình dung cụ thể, rõ ràng hơn nhé.
1. Fmarket là gì và có uy tín không?
Để đầu tư chứng chỉ Quỹ mở bạn có 02 cách:
Cách 1 – Mua bán trực tiếp qua Công ty quản lý Quỹ. Một vài công ty quản lý Quỹ có tên tuổi như: Dragon Capital, VinaCapital, công ty quản lý Quỹ của SSI, Vietcombank, VNDirect, Techcombank, Bảo Việt…
Cách 2 – Mua bán qua các đại lý phân phối chính thức được cấp phép.
Bài viết này sẽ hướng dẫn mọi người giao dịch theo Cách 2.
Chắc chị em sẽ thắc mắc tại sao không mua bán trực tiếp qua Công ty quản lý Quỹ có phải an toàn hơn không?
Thực tế thì mọi người hoàn toàn có thể đầu tư Quỹ mở theo cách 1 nhưng cũng sẽ có một hạn chế là tốn thời gian, công sức để quản lý hơn trường hợp bạn muốn đầu tư vào Quỹ của các Công ty quản lý Quỹ khác nhau bạn sẽ phải giao dịch với từng đó Công ty tương ứng.
Trong khi đó Fmarket là nền tảng duy nhất đến thời điểm hiện tại tập trung các Quỹ mở hàng đầu Việt Nam, người mua trực tiếp sở hữu chứng chỉ Quỹ được phát hành bởi các Quỹ đầu tư uy tín. Các Quỹ đầu tư đang tham gia hợp tác cùng fmarket có thể kể đến các tên tuổi khá uy tín, lâu năm như: VinaCapital, VCBF (Vietcombank), Dragon Capital, SSI, Bảo Việt, Mirae Asset, VnDirect, …

Như vậy, hiểu một cách nôm na, fmarket là một ứng dụng trung gian giúp các nhà đầu tư có thể giao dịch mua, bán chứng chỉ Quỹ từ nhiều Quỹ đầu tư khác nhau chỉ qua một nền tảng duy nhất (là fmarket) thay vì phải trực tiếp liên hệ các Công ty quản lý Quỹ để mở tài khoản và thực hiện giao dịch mua bán (mất thời gian hơn và không thuận tiện bằng).
Fmarket là một sản phẩm của Công ty CP Công nghệ tài chính Fincorp, giấy ĐKKD số 0314127430 do Sở Kế hoạch & Đầu tư TPHCM cấp ngày 23/11/2016.
Nền tảng giao dịch Quỹ mở tập trung fmarket đã được UBCK nhà nước cấp phép vào năm 2018.
Vì vậy, fmarket là hợp pháp.
Bài viết này mình sẽ không trả lời câu hỏi của chị em về việc đầu tư Quỹ mở có rủi ro hay không nhé. Vì đương nhiên loại hình đầu tư nào cũng tồn tại rủi ro. Nhưng rủi ro ở đây không đến từ việc bạn lựa chọn mua chứng chỉ Quỹ qua fmarket mà bản chất của việc rủi ro đến từ chứng chỉ Quỹ (danh mục đầu tư, chiến lược đầu tư của từng Quỹ) bạn lựa chọn đầu tư.
Ví dụ, bạn lựa chọn đầu tư chứng chỉ Quỹ của Quỹ mở của SSI (SSI-SCA). Việc bạn mua chứng chỉ Quỹ đó qua fmarket hay mua trực tiếp qua SSI đều không có gì khác nhau về mặt rủi ro.
Trường hợp fmarket đóng cửa, quyền lợi của nhà đầu tư không bị ảnh hưởng vì nhà đầu tư trực tiếp sở hữu chứng chỉ Quỹ đó và nhà đầu tư có thể tiếp tục thực hiện việc mua bán chứng chỉ Quỹ qua Công ty quản lý Quỹ.
2. Hướng dẫn đầu tư Quỹ mở trên fmarket
Bước 1. Tải fmarket tại link này (được tặng 50k vào tài khoản)
Bước 2. Bấm vào Đăng ký và làm theo hướng dẫn
Bước 3. Sau khi Đăng ký, đăng nhập và bắt đầu lựa chọn loại hình đầu tư.
Bước 4. Bấm vào Đầu tư và lựa chọn 05 mô hình đầu tư để thực hiện giao dịch (1) Đăng ký đầu tư định kỳ (2) Tìm kiếm Quỹ theo Công ty quản lý Quỹ (3) Tìm kiếm theo thành tích đầu tư (4) Loại Quỹ đầu tư (Quỹ cổ phiếu/trái phiếu/cân bằng) và (5) Vàng. Nội dung bài viết này chỉ hướng dẫn đầu tư Quỹ mở nên mọi người tạm bỏ qua mục (5) không cần quan tâm nhé.

Các loại Quỹ đầu tư trên fmarket là gì?
Có 03 loại Quỹ đầu tư đó là: Quỹ cổ phiếu, Quỹ cân bằng và Quỹ trái phiếu.
Quỹ cổ phiếu có danh mục đầu tư là một rổ các cổ phiếu.
Quỹ trái phiếu có danh mục đầu tư là một rổ các trái phiếu.
Quỹ cân bằng có danh mục đầu tư là một rổ các cổ phiếu và trái phiếu.
Rủi ro giảm dần từ trái sang phải: Quỹ cổ phiếu => Quỹ cân bằng => Quỹ trái phiếu.
Đồng nghĩa với việc lợi nhuận kỳ vọng từ Quỹ cổ phiếu là lớn nhất sau đó đến Quỹ cân bằng và cuối cùng là Quỹ trái phiếu.
Tóm tắt lại, bạn có hai hình thức đầu tư là đầu tư định kỳ một số tiền cố định hàng tháng (mỗi Quỹ quy định số tiền tối thiểu và thời gian đầu tư tối thiểu khác nhau) và đầu tư linh hoạt (bạn tự quyết định số tiền đầu tư, thời gian đầu tư hàng tháng).
Bước 5. Lựa chọn Quỹ đầu tư nào là phù hợp?
Để trả lời cho câu hỏi này mình đã có riêng một Chương Đầu tư trong cuốn sách “Tài chính cá nhân cho mẹ Việt” (bạn có thể mua tại đây). Trong khuôn khổ bài viết này mình chưa thể trả lời hết cho mọi người.
Mình xin tóm tắt lại một vài yếu tố bạn cần cân nhắc để giúp bạn đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất với bản thân và gia đình:
- Khẩu vị rủi ro của bạn
- Mục tiêu và thời gian đầu tư của bạn
- Hiệu quả đầu tư của Quỹ mở trong quá khứ
- Chiến lược đầu tư của Quỹ mở trong quá khứ, hiện tại và tương lai
- Uy tin của Quỹ
- Các loại thuế phí liên quan
Bước 6. Chuyển tiền đặt lệnh mua chứng chỉ Quỹ
Ví dụ, chọn Quỹ cổ phiếu VESAF (đây chỉ là ví dụ không phải khuyến nghị đầu tư), mọi người bấm vào “Đầu tư”, lựa chọn phương thức “Đầu tư linh hoạt” hay “Đầu tư định kỳ”, chọn số tiền muốn đầu tư, và bấm “Đặt lệnh mua”.

Mỗi Quỹ sẽ có một lịch khớp lệnh khác nhau, mọi người có thể kiểm tra thông tin đó tại phần “Lịch giao dịch”.
Sau đó mọi người sẽ chuyển tiền hoặc thanh toán bằng QR Code như hướng dẫn.
Sau khi chuyển tiền thành công, bấm “Xác nhận thanh toán” và kiểm tra trạng thái giao dịch tại phần “Giao dịch”.
Trường hợp quá thời gian khớp lệnh định kỳ của Quỹ, trạng thái lệnh của mình vẫn chưa chuyển sang “Thành công”, bạn có thể liên hệ bên fmarket để được hỗ trợ (inbox qua Facebook Page, gọi hotline 1900 571 299 hoặc email: hello@fmarket.vn).
Thông thường trong trường hợp này fmarket sẽ thực hiện hoàn tiền vào tài khoản Ngân hàng để bạn thực hiện lại giao dịch. Tuy nhiên, mình đã đầu tư chứng chỉ Quỹ ra fmarket vài tháng nay và thấy việc vận hành khá trơn tru, chưa gặp phải tình trạng nào cần phải liên hệ hỗ trợ.
Bước 7. Bán chứng chỉ Quỹ và nhận tiền về tài khoản Ngân hàng
Mình có kế hoạch đầu tư định kỳ và dài hạn (dự kiến ít nhất 5 năm hoặc lâu hơn) nên chưa từng thực hiện giao dịch bán chứng chỉ Quỹ trên fmarket lần nào.
Tuy nhiên, để bán chứng chỉ Quỹ, bạn chỉ cần vào phần Tài sản, chọn Quỹ và bấm nút “Bán” và làm theo hướng dẫn là được nhé.
(Lưu ý: thông tin đưa ra tại bài viết này dựa trên tìm hiểu của bản thân, chỉ có tác dụng tham khảo, không phải là khuyến nghị đầu tư).
Hy vọng rằng các chị em sẽ tìm được một giải pháp đầu tư nhẹ nhàng, đơn giản (để còn có thời gian làm việc khác) và vẫn kỳ vọng có thể mang lại lợi nhuận nhờ bài viết này của mình về fmarket.
Nếu còn bất kỳ điều gì thắc mắc hay trao đổi thêm, chị em có thể để lại comment để mình cùng nhau chia sẻ.
Đừng quên đăng ký Email để nhận được bản tin hàng tuần miễn phí về tài chính cá nhân dành riêng cho phụ nữ của MMS nhé!