Công thức tiết kiệm và số tiền tiết kiệm cần có cho từng độ tuổi là bao nhiêu, đó là điều băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ. Khi bạn tự đặt cho mình câu hỏi: Cần phải có bao nhiêu tiền tiết kiệm khi mình 30 tuổi, 35 tuổi, 40 tuổi hay 45 tuổi… Điều đó có nghĩa rằng với bạn, việc tiết kiệm tiền cho tương lai và chuẩn bị cho cuộc sống nghỉ hưu sắp tới là rất quan trọng.
Bài viết này, Money Mom Sharing sẽ chia sẻ với bạn về công thức tiết kiệm và số tiền tiết kiệm mỗi người cần có ở từng độ tuổi khác nhau.
Tuy nhiên, đầu tiên chúng ta nên thảo luận về tầm quan trọng của việc tiết kiệm.
- Vì sao chúng ta cần phải tiết kiệm ở từng độ tuổi?
Cho dù bạn mới chỉ bắt đầu xây dựng hay đã có nguồn tài chính vững mạnh thì điều quan trọng nhất bạn cần làm là luôn tish trữ tiền để có nguồn tài chính ổn định lâu dài.
Nếu hiện tại bạn đang không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào cho tương lại thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần phải điều chỉnh lại ngân sách của mình hoặc theo đuổi các cơ hội gia tăng thu nhập.
Chỉ tiết kiệm thôi thì vẫn chưa đủ để quyết định đến sự thành công của bạn.
Hãy nhớ rằng mỗi người đều có những con đường đi khác nhau để có thể đạt được mục tiêu tài chính. Có những người bắt đầu tiết kiệm từ rất sớm, nhưng lại có nhiều người bắt đầu muộn hơn.
Cùng với đó, những con số về số tiền tiết kiệm trung bình qua từng độ tuổi sẽ không phải là thuốc đo sự thành công về mặt tài chính của bạn. Và bạn cũng có thể có những mục tiêu tài chính khác nhau dẫn đến số tiền bạn tiết kiệm mỗi tháng ít hơn hoặc nhiều hơn những người bạn cùng trang lứa khác.
Ví dụ như: bạn bằng lòng với kế hoạch có chất lượng cuộc sống khi về hưu ở mức bình thường, khi đó, bạn sẽ có những mục tiêu tài chính thấp hơn so với những người có kế hoạch nghỉ ngơi ở một thành phố đắt đỏ.
Tuy nhiên, bạn luôn cần biết được số tiền tiết kiệm trung bình ở mỗi một độ tuổi và hiểu được bạn cần bao nhiêu tiền để đạt được mục tiêu tài chính của mình là rất quan trọng.
- Công thức tiết kiệm cho từng độ tuổi

Mặc dù ai cũng hiểu rằng tích lũy được càng nhiều tiền càng tốt, nhưng đâu là một con số để chúng ta nhìn vào và đối chiếu với thực tế số tiền đang tiết kiệm được để có sự điều chỉnh khi cần thiết?
Bạn có thể tham khảo công thức do tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia Fidelity (Ở Mỹ) thiết kế, đối chiếu các mốc quan trọng này để xem số tiền tiết kiệm của mình đã đủ để sống thoải mái sau khi về hưu hay chưa? Với công thức này, bạn chỉ đơn giản nhân tổng thu nhập trung bình trong năm với hệ số “X”, tùy thuộc vào độ tuổi của bạn.
- Số tiền tiết kiệm theo từng độ tuổi

Dưới đây là chi tiết về hệ số X trong công thức của Fidelity ở từng độ tuổi:
Bạn nên tiết kiệm bao nhiêu trước tuổi 25?
Có thể bạn chưa nghĩ nhiều về số dư tài khoản ngân hàng của mình vào thời điểm này chứ chưa nói đến việc cân nhắc đến câu hỏi “Bạn nên tiết kiệm bao nhiêu trước tuổi 25?” Vì ở tuổi này, bạn chỉ vừa mới có được việc làm sau khi ra trường và có thể bạn đang dồn sức tập trung cho công việc và phát triển sự nghiệp nên bạn có ít khoản tiết kiệm hơn đáng kể. Và điều đó rất bình thường, không sao cả!
Bây giờ là lúc bắt đầu suy nghĩ đến và có kế hoạch tiết kiệm. Khi bạn ở độ tuổi 25, thời gian thực sự đứng về phía bạn. Bởi vậy, chọn cách dành ra một khoản tiền nhất định để tiết kiệm cho tương lai ngay từ bây giờ sẽ mang lại hiệu quả lớn.
Bạn nên tiết kiệm bao nhiêu trước tuổi 30?
Ở tuổi 30, bạn đã có những lợi thế về tài chính lớn hơn khi bạn 25 tuổi. Công việc của bạn lúc này đã ổn định hơn, nguồn thu nhập cũng cao hơn. Bởi vậy, khi bạn ở độ tuổi 30, bạn có thể đặt ra cho mình các mục tiêu tài chính cao hơn so với năm bạn 25 tuổi. Ví dụ như, có thể lúc này bạn đang tiết kiệm tiền để mua căn nhà đầu tiên của mình; hoặc dành tiền chăm lo cho đứa con thơ của mình.
Do vậy, nếu bạn hỏi “Nên tiết kiệm bao nhiêu trước khi bước sang tuổi 30?” thì câu trả lời theo Fidelity là bạn nên đặt mục tiêu có được số tiền tiết kiệm ít nhất bằng tổng thu nhập trung bình một năm khi bạn 30 tuổi.
Giả sử thu nhập trung bình hàng năm của bạn khi bạn 30 tuổi là 100 triệu mỗi năm. Theo logic này, bạn nên có trong tay khoản tiền tiết kiệm tối thiểu là 100 triệu ở tuổi 30.
Bạn nên tiết kiệm bao nhiêu trước tuổi 35?
Thế còn tuổi 35, bạn cần phải tiết kiệm được bao nhiêu?
Ở độ tuổi này, bạn có thể sẽ có một số mục tiêu tiết kiệm lớn hơn trong tương lai.
Có thể, bạn đang bắt đầu suy nghĩ đến việc nghỉ hưu và chuẩn bị kế hoạch tài chính cho việc nghỉ hưu. Cũng có thể bạn đang làm việc để xây dựng sự nghiệp của mình cho các mục tiêu tài chính dài hạn khác.
Theo Fidelity, bạn nên tiết kiệm gấp hai lần mức thu nhập hàng năm của mình ở tuổi 35. Dù bạn làm gì ở tuổi 35 thì việc tiết kiệm nghiêm túc hơn là một ý tưởng tuyệt vời.
Bạn nên tiết kiệm bao nhiêu trước tuổi 40?
Ở tuổi này, ngoài việc tiết kiệm cho tương lai của chính mình, bạn có thể đang có kế hoạch chuẩn bị trang trải chi phí học đại học cho con cái của mình. Và đây cũng là lúc bạn nên nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm cho quỹ hưu trí.
Fidelity khuyên bạn nên có khoản tiết kiệm ít nhất gấp ba lần mức lương hàng năm của mình khi bạn ở tuổi 40.
Bạn nên tiết kiệm bao nhiêu trước tuổi 50?
Ở độ tuổi 50, bạn có thể có nhiều thời gian hơn để xây dựng tài sản tài chính của mình. Và tất nhiên, một số người phải điều chỉnh lại một số mục tiêu tiết kiệm của mình để thực hiện các kế hoạch dài hạn khác.
Nhưng hy vọng rằng, trước đây bạn đã thực hiện tiết kiệm thường xuyên, để khi ở tuổi này, bạn đã có trong tay một khoản tiền tiết kiệm nhất định. Fidelity khuyên bạn nên có khoản tiết kiệm gấp sáu lần tổng thu nhập trung bình một năm khi bạn 50 tuổi.
Bạn nên tiết kiệm bao nhiêu trước tuổi 60?
Khi bạn 60 tuổi, bạn đã bắt đầu với cuộc sống nghỉ hưu. Lúc này, bạn không còn nhận được mức lương cao cố định hàng tháng nữa, thay vào đó là khoản lương hưu ít ỏi (dĩ nhiên, không tính đến trường hợp bạn đang là chủ doanh nghiệp, hay có trong tay khối tài sản khổng lồ) mà nhiều khoản chi phí vẫn phải thực hiện. Cuộc sống nghỉ hưu của bạn sẽ tốt nhất khi bạn đã bắt đầu tiết kiệm được khá lâu để chuẩn bị nghỉ hưu.
Và đảm bảo chất lượng cuộc sống khi nghỉ hưu, Fidelity khuyên bạn nên tiết kiệm gấp tám lần mức thu nhập hàng năm của mình ở tuổi 60.
Con số này dao động tùy thuộc bạn muốn lúc về hưu sống khắc khổ hơn hay sướng hơn khi còn đi làm. Chẳng hạn, nếu bạn muốn sau khi nghỉ hưu được đi du lịch nhiều hơn, bạn cần tăng mức tích lũy ở các độ tuổi lên 1-2 cấp. Ngược lại, khi nghỉ hưu bạn chấp nhận sống hà tiện hơn, mức tích lũy có thể giảm đi một ít.
Còn theo bạn, số tiền tiết kiệm cần có ở các độ tuổi là bao nhiêu? Chia sẻ với Money Mom Sharing ở phần comment nhé!
Bạn thấy bài viết hữu ích không? Nếu có, sao không mời mình và team Money Mom Sharing một ly café latte tại đây để động viên chúng mình nhỉ?