Các sai lầm cần tránh khi chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu – Đã bao giờ bạn nghĩ đến vấn đề này chưa? Hay bạn mới U30, U40 và nghĩ rằng còn quá sớm để nghỉ đến tuổi nghỉ hưu? Theo quy định mới nhất thì tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi. Chị em chắc hẳn còn khá “ung dung” khi nghĩ vẫn còn 20 – 30 năm ở phía trước nên không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, có một nguyên tắc “bất di bất dịch” là chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu càng sớm càng tốt.
Bạn muốn tuổi nghỉ hưu của mình sẽ giống hình A hay hình B?
Xin lỗi vì có thể hình ảnh minh họa mình đưa ra hơi “cường điệu hóa” một chút. Nhưng mình biết rằng ai trong chúng ta cũng có một mơ ước là “Khi ở tuổi xế chiều, chúng ta có đủ tiền (và đủ sức khỏe) để sống cuộc sống như chúng ta vẫn hằng mong muốn, không vì gánh nặng kinh tế mà vẫn phải tiếp tục làm việc mưu sinh”.
Đúng là “nói luôn dễ hơn làm”.
Vậy làm thế nào có một tuổi nghỉ hưu an nhàn, hạnh phúc? Bắt đầu bằng việc tránh 05 sai lầm thường gặp khi chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu mình chia sẻ trong bài viết này nhé.
1. Sai lầm cần tránh 1 – Không lập kế hoạch từ trước

“Cuộc sống trong mơ” của bạn và chồng bạn khi về già là như thế nào?
Bạn muốn nắm tay người bạn đời đi du lịch khắp thế giới (bật mí với mọi người đây là “mơ ước” của mình nhé)?
Hay bạn không giống mình, không thích đi du lịch cho lắm.
Bạn sẽ muốn về quê “nuôi cá và trồng thêm rau”, sống cuộc sống an nhàn, thảnh thơi, gần gũi thiên nhiên?
Hay đơn giản chỉ là dành thời gian cho gia đình, bạn bè, chăm sóc con cháu?
Bất kể bạn muốn như thế nào thì chắc chắn là bạn cần tiền để sống cuộc sống đó.
Bạn cần tính toán được một cách chính xác (chính xác tương đối thôi nhé) số tiền bạn cần hàng tháng trong tương lai để “hiện thực hóa cuộc sống ở tuổi xế chiều” của mình.
Khi tính toán đến chi phí sinh hoạt, ngoài những chi phí sinh hoạt thông thường như: ăn uống, điện nước, quần áo, giải trí, … bạn đừng bỏ quan 02 chi phí cực kỳ quan trọng đó là: “Chi phí y tế” và “Chi phí lạm phát”.
Tại sao mình nói như vậy?
- Với chi phí y tế:
Ai cũng biết rằng khi về già sức khỏe của chúng ta sẽ đi xuống và gặp nhiều vấn đề. Đó là quy luật của tự nhiên, “sinh lão bệnh tử”. Bây giờ mình (hay bạn) còn rất trẻ, có thể thấy rằng “trộm vía” cả năm không phát sinh chi phí khám chữa bệnh. Nhưng khi về già câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho các chi phí liên quan đến sức khỏe.
Mình đang sử dụng gói bảo hiểm sức khỏe của VBI – Bảo hiểm Vietinbank. Cá nhân mình đáng giá thì chất lượng dịch vụ khá tốt với danh sách nhiều bệnh viện được bảo lãnh và thủ tục bồi hoàn bảo hiểm nhanh chóng. Các chị em nào quan tâm, có thể tìm hiểu thông tin tại đây nhé.
Nếu bạn không có bảo hiểm nhân thọ có kèm điều khoản sức khỏe hoặc bảo hiểm sức khỏe, ít nhất hãy đảm bảo bạn có bảo hiểm y tế để có thể nhận được những quyền lợi chăm sóc y tế cơ bản.
- Với chi phí lạm phát
Bạn có biết rằng mỗi năm giá cả tăng trung bình 3%?
Dưới tác động của lạm phát mà gói xôi lạc vừng mình mua ở cổng trường cấp 3 cách đây 20 năm có giá 500 đồng còn hiện tại nó có giá 5000 đồng.
Chẳng hạn hiện tại bạn cần đâu đó khoảng 7 – 8 triệu đồng chi phí sinh hoạt tối thiểu. Sau 30 năm nữa chi phí bạn cần sẽ là 16 triệu đồng (ước tính tương đối thôi nhé).
Như vậy, bạn cần chuẩn bị 16 triệu đồng chứ không phải 7 triệu đồng như bạn vẫn nghĩ!
2. Sai lầm 2 – Vẫn còn mơ hồ về thu nhập

Vậy là bạn đã biết bạn cần 16 triệu đồng để sống khi về hưu. Sai lầm thứ 2 đó là bạn hoàn toàn không biết mình sẽ làm gì, thu nhập khi về hưu của bạn sẽ đến từ đâu để có được số tiền đó mỗi tháng.
Tất nhiên nguồn tiền đầu tiên bạn sẽ nghĩ đến đó là “lương hưu”. Đừng quên tính toán cụ thể với mức đóng BHXH hiện tại, số lương hưu bạn sẽ nhận được khi nghỉ hưu cụ thể là bao nhiêu.
So sánh với con số bạn cần để sống cuộc sống bạn mong muốn khi về già và tính ra số tiền chênh lệch.
Bây giờ là thời điểm bạn cần lên kế hoạch, tìm một nguồn thu nhập khác để “bù đắp” sự thiếu hụt đó.
Khi về già dòng tiền hàng tháng là rất quan trọng, vì vậy, bạn nên cân nhắc đầu tư vào các tài sản có thể mang lại cho bạn thu nhập ổn định hàng tháng (ngoài lương hưu).
Một vài ví dụ cho bạn có thể là đầu tư bất động sản cho thuê, chọn mua loại cổ phiếu trả cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm, đầu tư trái phiếu nhận lãi suất cố định hay đơn giản là có một khoản gửi tiết kiệm Ngân hàng nhận lãi hàng tháng.
Câu chuyện về “đa dạng hóa thu nhập” đã nhiều lần mình bàn đến (bạn có thể đọc lại bài viết chia sẻ tại đây nhé) và nội dung này lại đặc biệt trở nên quan trọng hơn khi bạn bước sang tuổi nghỉ hưu.
3. Sai lầm 3 – Vẫn còn gánh nặng nợ khi về hưu

Khi bạn còn trẻ, tại một số thời điểm bạn có thể quyết định vay nợ. Bạn có thể vay để mua nhà, mua xe hay đầu tư kinh doanh, … Khi tính toán phương án vay nợ hãy đảm bảo rằng bạn hoàn toàn trả hết nợ khi chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu.
Ở tuổi xế chiều đôi khi có đủ chi phí sinh hoạt đã là một điều khó khăn với một số người. Vậy mà còn phải chịu thêm gánh nặng trả nợ thì chắc chắn đó là một viễn cảnh không mấy tích cực.
Nếu việc tránh xa hoàn toàn các khoản nợ khi về hưu là một điều quá khó, không thể thực hiện được. Ít nhất bạn cần tránh xa các khoản nợ có lãi suất cao (kiểu cho vay nặng lãi, tính lãi ngày).
Bạn đừng nghĩ rằng ở độ tuổi 50, 60, bạn còn đủ sức khỏe và minh mẫn để tiếp tục đi làm “kéo cày trả nợ”.
Nếu bạn vẫn còn sức khỏe và năng lực, bạn có thể tiếp tục làm việc. Bản thân mình vẫn nghĩ mình vẫn sẽ tiếp tục làm việc và không nghĩ đến chuyện nghỉ hưu, mình sẽ không bao giờ nghỉ hẳn không làm gì cả (tất nhiên ngoại trừ trường hợp sức khỏe không còn cho phép). Nhưng thời điểm đó, bạn chỉ nên “làm việc vì đam mê” chứ không phải “làm việc để trả nợ”.
4. Sai lầm 4 khi chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu – Vẫn còn suy nghĩ “Còn quá trẻ để nghĩ đến tuổi nghỉ hưu”

Mình biết đúng là bạn còn đang rất trẻ. Có thể bạn chỉ trạc độ tuổi mình (u40) hoặc thậm chí bạn chỉ mới u30, cuộc sống của bạn chỉ mới bắt đầu. Bạn nghĩ rằng quả thật là hơi “lo xa” quá khi bắt đầu chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu từ thời điểm này.
Nhưng bạn có biết rằng?
Bạn càng chuẩn bị sớm thì mọi thứ lại càng trở nên dễ dàng.
Bắt đầu tiết kiệm, tích lũy từ sớm sẽ cho bạn những năm tháng xế chiều thực sự viên mãn.
Một số Kênh đầu tư, tích lũy bạn có thể cân nhắc đến đó là: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ Quỹ, vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm Ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ, …
Vì bạn còn rất trẻ và thời gian để chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu còn rất dài, một trong những kênh “rủi ro nhất” nhưng kỳ vọng lợi nhuận lớn nhất đó là cổ phiếu hoặc Quỹ mở cổ phiếu có thể sẽ là lựa chọn phù hợp cho bạn.
Cá nhân mình đã lựa chọn tích lũy cho tuổi nghỉ hưu thông qua công cụ đầu tư dài hạn định kỳ chứng chỉ Quỹ của fmarket. Bạn có thể đọc thêm bài viết về hình thức này của mình tại đây.
Quay trở lại với các kênh đầu tư tích lũy cho tuổi nghỉ hưu. Mình nói thêm một chút về trend “Rút bảo hiểm xã hội một lần” thời gian gần đây.
Khoan “lạm bàn” về chính sách an sinh xã hội của Chính phủ (mặc dù có một sự thật là chính sách an sinh của Chính phủ sẽ ngày một được cải thiện theo hướng tích cực hơn cùng với sự phát triển đi lên của kinh tế xã hội).
Mình biết có rất nhiều lý do đằng sau quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần. Ví dụ như: lương khi về hưu không đủ sống hay thậm chí một vài người có suy nghĩ: Không biết có còn sống được đến khi về hưu hay không? Hay là mình sẽ sống bằng gì cho đến ngày nhận lương hưu? …
Nếu bạn là một người có kiến thức về tài chính, bạn tự tin rằng số tiền rút BHXH một lần đó bạn có thể làm một điều gì đó mang lại hiệu quả hơn thì đồng ý bạn có thể làm!
Còn nếu bạn rút ra để dùng tiền đó sinh sống vài tháng là “hết sạch” thì mình mong bạn suy nghĩ lại. Bảo hiểm xã hội là một nguồn thu nhập “quý giá” khi bạn về hưu. Chưa nói đến việc bạn chắc chắn sẽ bị “thiệt” khi quyết định rút một cục bảo hiểm xã hội thay vì đợi đến đúng ngày đúng tháng để được nhận.
5. Sai lầm 5 – Suy nghĩ “tiêu cực”, hạn chế bản thân

Khi đọc những bài báo về việc chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu, mình dễ dàng nhận thấy có khá nhiều quan điểm, chia sẻ mang tính chất “tiêu cực”.
Kiểu như mọi người nghĩ rằng câu chuyện về đa dạng hóa thu nhập, tiết kiệm tích lũy cho tuổi già, … hoàn toàn không phù hợp với những người đang làm công ăn lương, chạy ăn từng bữa, kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đó. Nó chỉ dành cho những tầng lớp thu nhập trung bình và cao.
Điều đó hoàn toàn không đúng!
Khi thu nhập của bạn càng thấp (và bạn vẫn còn trẻ, còn thời gian và sức khỏe), bạn càng phải tìm cách gia tăng thu nhập và tiếp tục cắt giảm chi phí để tích lũy cho tuổi già.
Hy vọng bạn sẽ không mắc phải những sai lầm trên khi chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu.
Ngoài ra, mời các mẹ ghé thăm Facebook Group “Money Mom Sharing – Tài chính cá nhân cho mẹ Việt” của mình tại đây để có cơ hội chia sẻ, giao lưu với các mẹ khác cùng có niềm quan tâm đến tiết kiệm, tối giản, tối ưu tài chính.
Đừng quên để lại email để được nhân bản tin miễn phí hàng tuần của MMS về các chủ đề chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và tăng thu nhập dành riêng cho phụ nữ nhé ❤️