Mục tiêu tài chính

10 mục tiêu tài chính cần đạt được trước tuổi 40 (tài chính cá nhân cho phụ nữ)_Phần 1

Bài viết này mình sẽ chia sẻ với chị em các mục tiêu tài chính cá nhân mà ai cũng nên phấn đấu đạt được trước khi bước sang 40 tuổi.

Tại sao mình lại chia sẻ bài viết này? Vì hiện tại mình đang 34 tuổi và cũng có kha khá nhiều mục tiêu tại đây mình chưa thực hiện được (vẫn đang cố gắng không ngừng). Hy vọng với 6 năm còn lại mình có thể chinh phục được hết các mục tiêu này. 

Bài viết này không được mình viết ra với mục đích so sánh người này với người kia, mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau, một con đường đi khác nhau, bài viết chỉ nhằm mục đích truyền cảm hứng và tạo động lực cho các chị em lứa tuổi u30, u40 có thể kiên trì tiếp tục đi trên con đường chinh phục mục tiêu tài chính của riêng mình.

1. Mục tiêu tài chính 1. Được làm một công việc mình thích, phù hợp với thế mạnh và có thể kiếm được tiền từ công việc đó

Mục tiêu tài chính
Được làm một công việc mình thích, phù hợp với thế mạnh và có thể kiếm được tiền từ công việc đó

Vài năm trở về trước mình nghỉ việc Ngân hàng và chuyển sang làm kế toán, đó là quãng thời gian thực sự “tồi tệ” đối với mình.

Mình đang là một cán bộ quản lý làm việc tại bộ phận tín dụng doanh nghiệp, công việc tuy vất vả nhưng cho bản thân mình nhiều cơ hội thử thách và phát triển. Mình được gặp gỡ nhiều người, đi công tác nhiều nơi. Rồi mình không cân bằng được giữa công việc và gia đình khi công việc Ngân hàng chiếm quá nhiều thời gian, mình xin nghỉ Ngân hàng về làm kế toán.

Công việc kế toán có đặc trưng khác hẳn, 99% thời gian mình ngồi trong văn phòng, làm những công việc “lặp đi lặp lại”. Đặc trưng của nghề kế toán nó là như vậy, chỉ là nó không phù hợp với mình. Thu nhập làm kế toán khá ổn (tất nhiên vẫn thấp hơn Ngân hàng) nhưng mỗi ngày đến cơ quan, làm một công việc không phù hợp với mình quả thật với mình là chuỗi ngày “khó quên”.

Cũng vì khái niệm “việc ổn định, lương khá cao” đó mà mình cũng lăn tăn mãi, cố gắng bám trụ làm kế toán đâu đó được tầm 3 – 4 năm rồi mình cũng quyết định nghỉ. Sau khi nghỉ, mình loay hoay đủ nghề, mình bán nơ kẹp tóc trẻ con được một thời gian tiếp tục thấy không hợp. Mình xoay sang làm Youtuber với chủ đề “Nuôi dạy con” cũng tiếp tục thấy không hợp (mình là một bà mẹ hết sức “bình thường” mà đi chia sẻ về nuôi dạy con quả thật thấy “sai sai”). 

Sau đó nhìn lại mình phát hiện ra rằng tất cả các Kênh Youtube mình xem hàng ngày đều xoay quanh lĩnh vực “tài chính cá nhân” (mình đam mê và tìm hiểu về nó mà mình “không hề nhận ra”). Mình không muốn kiến thức về tài chính hồi học Đại học và làm Ngân hàng bị bỏ phí, mình xoay sang làm Video, viết bài blog chia sẻ về tài chính cá nhân cho phụ nữ có gia đình và gắn bó với công việc này từ tháng 3/2022 đến nay và quyết định dừng lại gắn bó lâu dài với với công việc này.

Thực ra để tìm được một công việc mình thích, phù hợp với bản thân, có đam mê và có thể kiếm được tiền (nhiều tiền) không phải là việc dễ dàng. Một số chị em (trong đó có mình) thậm chí còn chẳng hiểu thế mạnh, đam mê thực sự của mình là gì (nếu chưa hiểu bây giờ bạn nên dành thời gian đôi chút để tự hiểu bản thân mình).

Khi còn trẻ (giai đoạn dưới 30 tuổi), nếu được hãy cho phép bản thân có nhiều cơ hội để trải nghiệm, chuyển qua nhiều công việc, nhiều tổ chức, … điều này sẽ giúp bạn hiểu bạn hợp với điều gì, khả năng của bạn là gì …

Nếu công việc hiện tại chưa thực sự thỏa mãn bạn về yếu tố thu nhập, yếu tố thời gian hay tính chất công việc, hãy chuẩn bị dần cho việc thay đổi. Mình nhắc lại là chuẩn bị dần chứ không phải đột nhiên hôm nay thấy chán là ngày mai viết đơn xin nghỉ việc. Phụ nữ có gia đình con cái rồi cần phải thận trọng hơn phụ nữ độc thân rất rất nhiều lần. 

Việc thay đổi công việc cần phải diễn ra có kế hoạch và lộ trình. Bạn cần tìm hiểu kỹ về công việc bạn định chuyển, để làm công việc đó bạn cần có những kiến thức, kỹ năng gì. Nếu được tốt nhất bạn nên duy trì công việc hiện tại của mình và phát triển “công việc trong mơ” như một nghề tay trái đến khi có đủ nền tảng hãy tự tin chuyển đổi.

Bạn biết không có rất nhiều người có thể “làm giàu” nhờ làm đúng đam mê, thế mạnh của mình.

Chị Hiếu Nguyễn kiếm tiền từ dạy yoga, anh Hoàng Cường kiếm tiền từ dạy các mẹ bỉm sữa nấu ăn dặm cho con, chị Linh Trang – chủ nhân blog Savourydays kiếm tiền từ việc dạy người khác làm bánh, …

Bạn không thể kiểm soát được thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản hay thậm chí bạn không thể kiểm soát được hoạt động của Ngân hàng nơi bạn gửi tiền, thứ bạn có thể kiểm soát được đó chính là thu nhập của bạn. Làm giàu từ chính bản thân mình, tăng thu nhập của bản thân mình là công cụ xây dựng sự giàu có tốt nhất và chủ động nhất mà bạn có thể kiểm soát được. 

Thực tế có những người kiếm được rất nhiều tiền nhưng không thỏa mãn với công việc, có người thì yêu thích công việc nhưng lại kiếm được ít tiền. Đạt được sự cân bằng là mục tiêu ai cũng nên hướng tới trước khi bước sang ngưỡng tuổi 40.

2. Mục tiêu tài chính 2. Biến thu nhập thành tài sản

Mục tiêu tài chính
Biến thu nhập thành tài sản

Giờ đây thì bạn đã có một “công việc trong mơ”, bạn yêu thích đam mê nó và nó mang lại cho bạn một thu nhập tạm ổn.

Khi thu nhập tăng 2 lần, đừng vì cảm giác thỏa mãn mà cho phép bản thân chi tiêu tăng tương ứng. Bạn hãy giữ nguyên lối sống như cũ và dùng phần tiền tăng thêm để đầu tư vào tài sản, tích lũy cho tương lai.

Tài sản ở đây có thể là: tài khoản tiết kiệm Ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ Quỹ, vàng, bất động sản, bảo hiểm nhân thọ, … 

3. Mục tiêu tài chính 3. Có nhiều hơn một nguồn thu nhập

Mục tiêu tài chính
Có nhiều hơn một nguồn thu nhập

Bạn đang có một công việc khá ổn, đạt đủ hai tiêu chí là đam mê và thu nhập cao. Nhưng bạn cũng cần biết rằng “Một công việc tốt tại thời điểm hiện tại không có nghĩa là nó sẽ tốt mãi mãi”.

Hãy tìm cho mình ít nhất một nguồn thu nhập khác bên cạnh thu nhập từ công việc chính hiện tại của bạn để đảm bảo có bất kỳ điều gì xảy ra với công việc chính của bạn thì gia đình bạn vẫn còn nguồn khác để sinh sống.

Nếu công việc chính của bạn không chiếm của bạn quá nhiều thời gian, hãy tìm các công việc tay trái mang tính chủ động như: bán hàng online, dạy thêm (dạy bất kỳ thứ gì bạn giỏi), trông trẻ (nếu bạn có khả năng) hay thậm chí đi làm giúp việc theo giờ, làm shipper, … 

Nếu công việc chính của bạn quá bận rộn, không còn dư thời gian nữa, hãy đầu tư tiền của mình để tìm kiếm thu nhập từ cho thuê (cho thuê BĐS, cho thuê studio chụp ảnh, cho thuê xe ô tô, cho thuê bất kỳ thứ gì bạn có và thị trường có nhu cầu). Đơn giản hơn bạn có thể gửi tiền Ngân hàng lấy lãi, đầu tư cổ phiếu nhận cổ tức, đầu tư trái phiếu nhận lãi suất, …

4. Mục tiêu tài chính 4. Tham gia đầu tư chứng khoán an toàn & bền vững

Mục tiêu tài chính
Tham gia đầu tư chứng khoán an toàn & bền vững

Trường hợp bạn chưa tham gia đầu tư chứng khoán, bạn nên tham gia ngay bây giờ vì chứng khoán là công cụ cực kỳ đơn giản và hiệu quả giúp bạn có thể tăng trưởng tài sản trong dài hạn mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức cũng như không yêu cầu quá nhiều vốn.

Trong dài hạn, thị trường chứng khoán luôn đi lên và cùng với sức mạnh kỳ diệu của lãi kép, việc bạn đầu tư trong thời gian đủ dài (từ 10 năm trở lên), danh mục đầu tư của bạn có thể tăng trưởng một cách “bất ngờ” (tất nhiên không ai khẳng định được tương lai nhưng dữ liệu quá khứ thể hiện điều đó).

Với một nhà đầu tư nghiệp dư, hãy tham gia đầu tư chứng khoán một cách đơn giản bằng cách đầu tư chứng chỉ Quỹ của các Quỹ mở. Lúc này danh mục đầu tư của bạn luôn được đa dạng hóa và được quản lý bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bạn có thể bắt đầu tư đầu tư chứng chỉ Quỹ qua ứng dụng fmarket (một đại lý trung gian hợp pháp kết nối nhiều Quỹ mở hàng đầu tại Việt Nam) với số tiền nhỏ (vài trăm nghìn, vài triệu) hoặc đầu tư số tiền lớn hơn tùy vào thu nhập hiện tại của bạn.

Để hiểu rõ hơn và có thể phân biệt về các loại Quỹ này, bạn có thể tham khảo lại bài viết Hướng dẫn đầu tư Quỹ mở trên fmarket từ A – Z cho người mới (7 bước) tại đây hoặc Phân biệt Quỹ ETF và Quỹ mở – hiểu đúng để đầu tư đúng tại đây nhé!

Tuy nhiên, trước khi tham gia đầu tư chứng khoán, bạn hãy nhớ rằng đây nên được xem là một kênh đầu tư an toàn & bền vững, đừng kỳ vọng làm giàu nhanh từ thị trường chứng khoán. Phân bổ danh mục đầu tư phù hợp để diễn biến “khốc liệt” của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình.

Đừng quên đánh giá khẩu vị rủi ro của mình (bạn hợp với Quỹ trái phiếu hay Quỹ cổ phiếu), xem xét thời gian đầu tư (thời gian bạn cần sử dụng đến số tiền đầu tư, dưới 5 năm cân nhắc chọn Quỹ trái phiếu, trên 5 năm cân nhắc chọn Quỹ cổ phiếu), …

Thị trường chứng khoán thực tế không quá đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Tận dụng nó như một công cụ để giúp gia đình sớm đạt được mục tiêu tài chính trong tương lai. 

5. Mục tiêu tài chính 5. Có kế hoạch cho con cái trong dài hạn

Mục tiêu tài chính
Có kế hoạch cho con cái trong dài hạn

Phần đông các chị em khi bước vào lứa tuổi 40 đều đã có con cái. Chị em nào lấy chồng sớm thì con còn lớn rồi (có khi học cấp 2, cấp 3, …). Chúng ta phần đông đã đi qua giai đoạn bỉm sữa. Đây là thời điểm mọi người cần suy nghĩ đến kế hoạch đầu tư cho con cái trong dài hạn.

Con cái là khoản đầu tư khá “tốn kém” nhưng vô cùng xứng đáng. Con cái là tài sản lớn nhất, quý giá hơn bất kỳ thứ gì.

Bây giờ là lúc bạn cần ngồi lại, tính toán các chi phí đầu tư cho con cái sao cho phù hợp với tài chính gia đình mà lại phát huy hiệu quả nhất, có thể giúp con “vững bước trong tương lai”.

Cùng tính xem chi phí học phổ thông, chi phí học Tiếng Anh cho con là bao nhiêu?

Suy nghĩ về việc con sẽ học Đại học tại đâu. Nếu học Đại học tại Việt Nam thì học trường công hay trường tư. Nếu đi du học thì học tại nước nào, dự định xin học bổng hay bố mẹ hỗ trợ? Đừng quên cùng con tìm ra một công việc “trong mơ” giống như mục tiêu của mẹ đã được mình chia sẻ ở phần đầu bài viết. 

Sau khi học Đại học con sẽ tự lo công việc hay bố mẹ hỗ trợ một phần (chi phí xin việc có không?)

Đừng quên tính đến chi phí sức khỏe dự phòng cho con. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về các chương trình bảo hiểm của Bảo Việt tại đây hoặc Bảo hiểm Bưu điện PTI tại đây hoặc Bảo hiểm VBI – Bảo hiểm Vietinbank tại đây nhé. Đây đều là những đơn vị bảo hiểm uy tín, với chính sách hỗ trợ và thủ tục khiếu nại bồi thường nhanh chóng và được nhiều chị em phụ nữ Việt tin dùng cho gia đình. 

Nhưng nếu bạn không có đủ điều kiện để mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ thì hãy tận dụng bảo hiểm y tế (mua bảo hiểm y tế tự nguyện theo hình thức hộ gia đình có mức giá rất phải chăng ai cũng mua được). 

Ngoài ra còn một số khoản chi phí khác liên quan đến hỗ trợ con cái cũng cần được lên kế hoạch như: bạn có ý định “tặng” con nhà sau khi con học xong Đại học hay dự trù tài chính cho việc cưới xin của con, …

Bên cạnh việc bắt đầu lên kế hoạch cho con cái với “view” dài hạn, khi mẹ bước sang tuổi 40 các con cũng đang dần lớn lên và trưởng thành. Bạn nên bắt đầu giáo dục cho con về tài chính một cách phù hợp. Giáo dục con về tài chính không phải biến trẻ thành một người thực dụng chỉ biết đến tiền (như nhiều mẹ vẫn nghĩ) mà giúp trẻ trở thành một người có trách nhiệm với tiền, giúp con hiểu phải lao động mới kiếm được tiền và giúp con chi tiêu phù hợp, có mục đích, tránh lãng phí. 

Giáo dục tài chính cho con cụ thể như thế nào, ở độ tuổi nào giáo dục ra sao, mình sẽ hẹn chị em ở các bài viết trên website này nhé.

Ngoài ra, mời các mẹ ghé thăm Facebook Group “Money Mom Sharing – Tài chính cá nhân cho mẹ Việt” của mình tại đây để có cơ hội chia sẻ, giao lưu với các mẹ khác cùng có niềm quan tâm đến tiết kiệm, tối giản, tối ưu tài chính.

Cùng bắt tay vào thực hiện các mục tiêu tài chính cần đạt được trước tuổi 40 ngay hôm nay và đọc bài viết Phần 2 của mình để biết 5 mục tiêu còn lại là gì tại đây nhé!

Đừng quên để lại email để được nhân bản tin miễn phí hàng tuần của MMS về các chủ đề chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và tăng thu nhập dành riêng cho phụ nữ nhé ❤️

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đọc thêm câu chuyện về Founder tại đây

Money Mom Sharing là kênh chia sẻ về tài chính cá nhân dành riêng cho phụ nữ được sáng lập bởi Lê Phương Thanh - chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận của NFEC Hoa Kỳ.

Sách Tài chính cá nhân
cho Mẹ Việt

"Tài chính cá nhân cho mẹ Việt" là quyển sách tài chính cá nhân thuần Việt đầu tiên viết dành tặng riêng cho phụ nữ, là quyển sách đầu tay chứa đựng nhiều tâm huyết của tác giả Lê Phương Thanh. Sách giúp nhiều phụ nữ Việt đã và sẽ làm mẹ có thể tự tin, độc lập về tài chính.

Tải ebook quản lý tài chính
miễn phí

Tải công cụ quản lý tài chính

Đăng ký email

Để lại email để đọc bản tin hàng tuần của MMS (miễn phí – giá trị & tuyệt đối không spam) bạn nhé!

Bạn đã tải file thử thách 21 ngày detox tài chính cá nhân và hình thành thói quen tiết kiệm chưa?

miễn phí

Hiệu quả của Thử thách đã được chứng minh bởi rất nhiều chị em phụ nữ!