Chào mừng mọi người tiếp tục đến với 10 cách giúp mẹ tiết kiệm tiền khi nuôi con nhỏ (tối giản + tối ưu) Phần 2. Nếu chưa đọc bài viết Phần 1 về chủ đề này của mình, mọi người có thể đọc lại tại đây nhé.
Trước khi bắt đầu chia sẻ tiếp với mọi người 05 cách còn lại giúp mẹ có thể tiết kiệm, tối giản khi có con nhỏ, mình muốn mọi người có thể bỏ qua một số “rào cản” về tâm lý thường gặp với lối sống tối giản đó là: sống tối giản đồng nghĩa với việc sống tẻ nhạt, khô khan, nhàm chán, không được sở hữu đồ đẹp, chỉ dành cho những nhà hoạt động môi trường cực đoan, không tiếp đãi khách khứa và đặc biệt là bủn xỉn với con trẻ.
“Sống tối giản là hướng tới những thứ ta coi trọng nhất và loại bỏ mọi thứ khác khiến chúng ta quan tâm khỏi điều quan trọng đó”
đây là một trích đoạn trong quyển sách “Lối sống tối giản khi nhà có con nhỏ” của tác giả Joshua Becker – mọi người có thể mua, đọc và hiểu sâu hơn về lối sống tối giản đặc biệt khi có con nhé.
Mọi người có thể tìm link mua cuốn sách này và các cuốn sách khác MMS đọc và thấy hay tại chuyên mục Gợi ý của MMS.
Việc sống tối giản khi có con nhỏ sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi mọi người cần nỗ lực và tìm hiểu sâu hơn một chút nhưng hoàn toàn không phải là một việc không thể làm. Và tin mình đi, việc bạn quyết định sống tối giản khi có con nhỏ sẽ giúp hành trình của hai mẹ con trở nên hạnh phúc hơn và tất nhiên tiết kiệm tiền nhiều hơn.
Sau đây một số cách mà mình đã tổng hợp từ kinh nghiệm bản thân về giúp bạn – những người mẹ đang hoặc sắp có con nhỏ có thể bắt tay thực hành và giúp tiết kiệm tiền khi nuôi con nhỏ ngay nhé.
1. Ưu tiên mua những sản phẩm đa chức năng hoặc những sản phẩm dùng được trong một thời gian dài
- Với các sản phẩm đa chức năng
Hiểu đơn giản tức là khi bạn mua một sản phẩm và sản phẩm đó có thể thay thế sự xuất hiện của 2 – 3 sản phẩm khác trong ngôi nhà của bạn. Điều này vừa giúp tiết kiệm hơn cho mẹ, vừa thuận tiện trong quá trình chăm sóc em bé và đương nhiên giúp ngôi nhà của mình gọn gàng hơn.
Ví dụ, bạn cần một cái bình đun nước nóng của Phillips (vì bạn sinh bé vào mùa đông) kèm theo một cái máy đun nước pha sữa vì con bạn uống sữa công thức (tất nhiên mình khuyến khích bạn nuôi con bằng sữa mẹ, con chỉ nên sử dụng sữa công thức trong tình huống bất khả kháng), bạn có thể mua một chiếc máy đun và hâm nước pha sữa đa năng của Fatz. Với chiếc máy thông minh này, bạn có thể lấy nước nóng 90 độ để phục vụ mẹ hay lấy nước nóng 40 độ để pha sữa cho em bé.
Một ví dụ thứ hai, khi em bé nhà mình bước vào giai đoạn ăn dặm. Thay vì mẹ mua một chiếc cốc nấu cháo bé xíu của Nhật với giá 500k tại sao mẹ không mua một nồi nấu chậm đa năng (nhà mình sử dụng nồi của hãng BB Cooker) với dung tích vừa phải và đa chức năng (ngoài nấu cháo còn có thể chưng yến, nấu súp hay nấu chè).
Đây chỉ là 02 ví dụ mình đưa ra để gợi ý cho các mẹ trước khi quyết định mua sắm cho con một món đồ nào, hãy suy nghĩ xem có thể mua sản phẩm nào sử dụng được đa chức năng hay không nhé.
- Với các sản phẩm có thể dùng được trong thời gian dài
Các em bé sẽ phát triển rất nhanh cả về chiều cao, cân nặng cũng như nhận thức, kỹ năng (đặc biệt trong những năm đầu đời). Vì vậy, việc mua sắm cho em bé nếu không được cân nhắc kĩ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng lãng phí vì chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn.
Các mẹ có thể hạn chế tình trạng đó phần nào bằng một số cách sau.
Ví dụ, nếu mua chăn cho bé sơ sinh, mẹ hãy chọn một chiếc chăn có kích thước vừa cho bé đến khi bé đi học mẫu giáo để chiếc chăn đó có thể sử dụng được ít nhất trong 3 – 4 năm. Thay vì mua một chiếc chăn với kích thước nhỏ xíu sơ sinh và bé chỉ đắp được trong 6 – 8 tháng đầu đời là đã ngắn và phải mua chăn mới.
Hoặc nếu mình mua ghế ô tô cho con, thay vì mua ghế ô tô loại nôi xách chỉ sử dụng được cho em bé sơ sinh đến dưới 1 tuổi, mẹ có thể chọn mua loại ghế dựa điều chỉnh được sử dụng được cho bé sơ sinh (tầm 3 tháng trở lên cho đến khi bé được 20kg – tức là khoảng 4, 5 tuổi). Sẽ tiết kiệm hơn cho mình rất nhiều đúng không nào?
Với 02 ví dụ trên thì mình muốn các mẹ mua sắm cho em bé các sản phẩm mà có thể sử dụng được trong thời gian càng lâu càng tốt để tránh việc mình phải mua sắm nhiều lần gây lãng phí nhé.
2. Mua đồ chất lượng có độ bền cao, ưu tiên màu trung tính với các sản phẩm xác định dùng lâu từ bé lớn qua bé nhỏ là cách hay để tiết kiệm tiền khi nuôi con nhỏ
Một số sản phẩm mình nên đầu tư tiền mua để đảm bảo chất lượng, độ bền và dùng được trong thời gian dài. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng sản phẩm đó từ bé lớn qua bé nhỏ.
Một số sản phẩm Cún đang được thừa hưởng từ chị Thỏ có thể kể đến như: cũi gỗ, ghế ăn, ghế ô tô, xe đạp, xe scooter, xe thăng bằng, …
Ghế ăn mình mua của hãng Summer Infant (màu be) tại đây.
Xe đạp mình mua ở store Decathlon tại Hà Nội.
Xe scooter và xe thăng bằng mình đều mua qua shopee mall của My Kingdom tại đây.
Tất cả các món đồ này mình đều đầu tư mua các sản phẩm có thương hiệu và có chất lượng để có thể dùng được từ bạn đầu sang bạn thứ hai (thậm chí bạn thứ ba – nếu mình sinh thêm bé thứ ba). Nhưng mình thì quyết định dừng lại ở hai bé rồi nên mấy món đồ này hiện đã được “sang tên” cho các bé con của bạn mình và tất nhiên bây giờ vẫn đang dùng tốt nhé!
Mình cũng đều cố gắng mua một số màu trung tính với các sản phẩm kiểu “thừa kế” như thế này, ví dụ như màu xám, màu xanh da trời nhạt, màu đỏ, màu vàng, màu trắng, … để tránh xảy ra trường hợp Cún mè nheo, không thoải mái vì phải đi chiếc xe đạp màu “hồng công chúa” của chị Thỏ.

Nếu mẹ dự định sinh nhiều em bé hãy thử tham khảo cách này của mình nhé, sẽ rất hiệu quả đấy!
Tuy nhiên với quần áo thì các mẹ cân nhắc áp dụng cách này nhé. Chi phí mua quần áo cho em bé là không quá lớn (mình cũng không nghĩ rằng mẹ cần phải bỏ một số tiền khổng lồ cho việc mua quần áo cho con vì trẻ con không cần quá nhiều quần áo như mẹ nghĩ) và các bạn ấy còn có thể sinh lệch mùa nhau.
3. Đặt giới hạn trước những đòi hỏi của con
Khi bé từ 3 – 4 tuổi trở lên, bé sẽ bắt đầu biết “đòi hỏi”. Dắt con đi trung tâm thương mại, con sẽ đòi mua đồ chơi, mua quần áo mới. Con đi học ở trường mẫu giáo và thấy bạn Bo có đồng hồ đẹp để đeo trong khi con không có, con sẽ đòi mẹ mua cho bằng bạn bằng bè. Đó là một tâm lý hết sức bình thường của các bạn nhỏ.
Với trường hợp này bạn sẽ làm gì?
Đồng ý mua bất kỳ món nào bé đòi hỏi, tốn không ít tiền của và nhà cửa trở nên chật chội.
Hay rất cứng rắn, không đồng ý mua bất kỳ món gì, mặc kệ con khóc lóc, mè nheo.
Không có một câu trả lời nào chính xác hoàn toàn trong trường hợp này.
Một vài chia sẻ mình có thể giúp các mẹ giải quyết phần nào tình huống này nhé:
Một, tùy vào đòi hỏi, yêu cầu của con là gì, mẹ có thể đồng ý mua cho con hoặc đồng ý mua cho con kèm điều kiện (ví dụ, con sẽ tự đánh răng, con sẽ tự mặc quần áo, …).
Hai, nếu đòi hỏi của con không phù hợp (giá trị món đồ quá đắt hoặc thực sự rất không cần thiết), hãy nhẹ nhàng và kiên nhẫn, tìm cách từ chối và giải thích cho con hiểu: món đó là không cần thiết, con đã có quá nhiều đồ chơi, quần áo ở nhà rồi và/hoặc số tiền của gia đình mình không đủ để mua món đồ đó mà còn phải để dành mua những thứ cần thiết hơn như: đồ ăn, xe đạp, …
Mình không phải là một người mẹ hình mẫu lý tưởng gì, thâm chí mình còn khá là chiều con. Tuy nhiên, chiều con không đồng nghĩa với việc mình đồng ý mua cho con tất cả những gì con đòi hỏi. Hãy đặt ra những giới hạn trước những đòi hỏi của các em bé nhé các mẹ.
Vậy ngoài cách từ chối, các mẹ sẽ hỏi mình có cách nào khác hay hơn giúp giải quyết căn bản nguồn gốc của sự ham muốn vật chất đồ chơi, quần áo, đồng hồ, … của con, dạy con về lối sống giản dị hay không?
Có một cách khá hay mình sẽ chia sẻ với mọi người. Đó là các mẹ hãy cho con tham gia các trải nghiệm, các hoạt động DIY, nghệ thuật, sáng tạo, thể thao, … Mình đã từng gặp, từng tiếp xúc với nhiều bạn nhỏ và mình để ý rằng những bạn hay được ra ngoài trải nghiệm tiếp xúc với thiên nhiên, hay được làm những việc đúng đam mê, sở thích (DIY, thủ công, sáng tạo, …) phần lớn đều có sự sáng tạo, tự tin, năng động nhất định thì các bạn ấy còn ít có đòi hỏi về vật chất hơn.

Mẹ hãy hướng con đến các trải nghiệm, cho con được tham gia các hoạt động đúng với sở thích và sở trường của con. Đây là một cách rất tự nhiên sẽ giúp con không đưa ra những đòi hỏi quá nặng tính vật chất mà còn giúp con phát triển được toàn diện.
Một Group về Cho con ra ngoài chơi mình thấy hoạt động khá sôi nổi, mình sẽ để lại link ở đây để mọi người tham khảo.
Mẹ có thể tham gia và chọn ra cho con những hoạt động trải nghiệm nào phù hợp nhất với thời gian và kinh tế của gia đình mình nhé.
Trường hợp các bé thích các hoạt động sáng tạo (DIY), có vốn Tiếng Anh khá tốt và có độ tuổi từ 4 – 5 tuổi trở lên, mọi người có thể cho bé học các kỹ năng như: vẽ, nhảy, yoga, làm bánh, tạo hình lego thậm chí cả coding hay làm phim animation, … bằng cách tìm kiếm các Kênh Youtube bằng Tiếng Anh tương ứng (tất nhiên là hoàn toàn miễn phí – Youtube là nguồn tài nguyên vô tận, giá trị và miễn phí mà bố mẹ nên tận dụng).
Nhưng nhớ giới hạn thời gian và kiểm soát nội dung con tiếp cận nhé.
4. Không “thần thánh hóa” đồ organic, thực phẩm chức năng, đồ nhập khẩu, xách tay đắt tiền
Đây là kinh nghiệm mình rút ra được từ chính bản thân mình.
Hồi nuôi Thỏ tất cả sản phẩm mình dùng cho Thỏ đều là hàng xách tay từ nước ngoài (từ quần áo đến sữa đến thực phẩm chức năng hay đồ ăn dặm, thậm chí cả kem đánh răng, bàn chải đánh răng cũng như vậy…).
Thỏ còi và siêu lười ăn nên mẹ cứ nghe đến loại thực phẩm chức năng nào giúp con ăn ngon là sẽ mua ngay không tiếc tiền. Nhưng rất tiếc chẳng có thực phẩm chức năng nào thần thánh đến mức giải quyết được bài toán “lười ăn” của Thỏ cả.
Sau khi sinh Cún, mình đã có kinh nghiệm hơn và tìm được một số cách hay hơn để giúp giải bài toán lười ăn của các bạn (đó là giãn bữa, bỏ ăn vặt, cho vận động thật nhiều, thiết lập kỉ luật bàn ăn, chế biến các món ăn phù hợp sở thích, …) thay vì chạy theo mua thực phẩm chức năng, sữa đắt đỏ mà không giải quyết được điều gì.
Ngay cả với những đồ dùng khác, mình cũng từ bỏ thói quen cần phải sử dụng đồ “organic”. Nếu như trước đây mình phải mua cho Thỏ tuýp kem đáng răng organic của Úc với giá hơn 200k order từ ÚC về thì giờ đây Cún chỉ cần dùng một tuýp kem đánh răng của Việt Nam hãng P/S với giá 6k mua ở cửa hàng gần nhà.
Đặc biệt đối với trường hợp ngân sách gia đình bạn không quá khá giả, đừng tự tạo áp lực cho bản thân.
Đồ organic, thực phẩm chức năng, đồ nhập khẩu, xách tay đắt tiền, … không đóng một vai trò quá quan trọng trong sự phát triển của con.
Đây có thể là một chủ đề có thể gây tranh cãi giữa các mẹ.
Tất nhiên trong điều kiện tài chính cho phép, mẹ nào cũng muốn mang lại cho con những gì tốt đẹp nhất. Nhưng phải luôn nằm trong khả năng tài chính của mẹ nhé!
5. Tận dụng những nguồn tài liệu miễn phí để cho con học Tiếng Anh
Mình vẫn bảo lưu quan điểm rằng giai đoạn con dưới 7 tuổi là giai đoạn vàng để cho con học Tiếng Anh. Và nếu được thì mẹ hãy cho bé tiếp xúc với Tiếng Anh sớm (nhưng cũng không nên quá sớm). Thời điểm thích hợp là khi em bé đã nói cơ bản được tiếng mẹ đẻ, tức là khi con được 2 – 3 tuổi.
Về tầm quan trọng của việc học Tiếng Anh thì mình xin phép không phân tích lại ở bài viết này nữa nhé.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, việc học Tiếng Anh cho con sẽ tiêu tốn của gia đình rất rất nhiều tiền. Thực tế, Internet mang đến cho chúng ta rất nhiều thứ và một trong số đó là nguồn học liệu Tiếng Anh cho con rất phong phú và miễn phí.

Một vài các tài liệu miễn phí khá hay bố mẹ bắt đầu khai thác và đồng hành cùng con trong hành trình học Tiếng Anh mình xin được chia sẻ như sau:
Thứ nhất, mẹ có thể tham gia một số Group đồng hành cùng con học Tiếng Anh khá uy tín để kết nối với các mẹ có cùng quan tâm và khai thác một số tài liệu miễn phí do các admin cung cấp. Vài gợi ý của mình:
+ Group Homeschooling của chị Phạm Nha Trang (mẹ không cần cho con học homeschooling cũng có thể học được kha khá thứ từ Group này)
+ Group Dạy trẻ song ngữ của em Nguyễn Hồng Thủy (admin rất dễ thương, quan tâm và hỗ trợ thành viên, group không đông nhưng chất lượng)
Thứ hai, mẹ có thể cho con xem Kênh Youtube Super Simple Songs và khai thác các tài liệu học trên website của Kênh luôn. Mình đã làm Video hướng dẫn cách khai thác Super Simple Songs tại đây.
Thứ ba, mẹ có thể khai thác rất nhiều tài liệu học miễn phí trên website của British Council for Kids. Mình cũng đã làm Video hướng dẫn cách khai thác website này tại đây.
Thứ tư, mẹ có thể cho con đọc mỗi ngày một câu chuyện Tiếng Anh miễn phí với Epic. Mình cũng đã làm Video review và hướng dẫn cách khai thác Epic tại đây.
Thứ năm, mẹ có thể tải app Khan Kids về cho con học (cũng miễn phí hoàn toàn). Video mình hướng dẫn cách tải và sử dụng Khan Kids tại đây.
Mình không phải là chuyên gia về Tiếng Anh cho bé, đây là một vài gợi ý của mình ở giai đoạn đầu dựa trên những gì mình biết.
Các mẹ tự tìm hiểu thêm các nguồn tài liệu khác nhé. Nhưng dạy Tiếng Anh cho con “không đáng mấy đồng” là chuyện hoàn toàn có thể làm được và khả thi nha!
Mình xin khép lại Phần 2 chia sẻ cách tiết kiệm tiền khi nuôi con nhỏ (tối giản + tối ưu) tại đây. Sau này nếu có thêm tài nguyên để chia sẻ mình sẽ tiếp tục viết Phần 3, 4, … nhé.
———–
Mời các mẹ ghé thăm Facebook Group “Money Mom Sharing – Tài chính cá nhân cho mẹ Việt” của mình tại đây để có cơ hội chia sẻ, giao lưu với các mẹ khác cùng có niềm quan tâm đến tiết kiệm, tối giản, tối ưu tài chính.
Nếu có điều gì cần chia sẻ thêm, đừng ngại để lại comment cho MMS. Rất mong được kết nối với các mẹ ❤️