Bí quyết mua hàng trên Shopee

09 bí quyết mua hàng trên Shopee hiệu quả và tiết kiệm

Bài viết này mình sẽ chia sẻ với mọi người các bí quyết mua hàng trên Shopee hiệu quả và tiết kiệm mà mình đã đúc rút được sau rất nhiều năm là một “con nghiện” mua hàng trên Shopee (đây là bài viết chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, không phải bài viết quảng cáo gì cho Shopee nhé). 

Cùng mình khám phá các bí quyết mua hàng Shopee là gì để bất kỳ giao dịch mua bán online nào trên Shopee cũng đều mang lại “kết quả tốt” cho tất cả chị em nhé(mua được hàng đẹp, giá ổn, shop uy tín, …)!

1. Bí quyết #1 – So sánh giá

Bí quyết mua hàng trên Shopee
So sánh giá

Bạn nào theo dõi mình một thời gian chắc đều biết đến cách “thần thánh” này của mình.  Mình ít khi nào quyết định mua sắm ngay lần đầu. Bước đầu tiên mình sẽ làm là so sánh giá (tất nhiên bước này vẫn còn sau bước xác định mình có thực sự cần mua sản phẩm này hay không nhé).

Trường hợp bạn chắc chắn cần mua sản phẩm này, chúng ta sẽ cùng so sánh giá.

Ví dụ, mình mua một quyển sách “Ăn dặm không nước mắt”. Mình sẽ so sánh giá cùng một quyển sách đó tại ba shop khác nhau trên shopee.

(Lưu ý: giá để so sánh là giá cuối cùng bạn phải “móc túi ra trả”, tức là sau khi đã áp tất cả các mã giảm giá, hoàn xu hay freeship rồi chứ không phải giá bạn nhìn thấy lúc tìm kiếm)

2. Bí quyết #2 – Đọc review sản phẩm

Bí quyết mua hàng trên Shopee
Đọc review sản phẩm

Bước này hết sức quan trọng. Thực ra với một số sản phẩm (như sách chẳng hạn) có thể các review sẽ không quá khác nhau.

Nhưng với một số sản phẩm như: quần áo, giày dép, … thì “review” lại là một vũ khí thần thánh quyết định độ “thành công” cho món mua sắm trên shopee của bạn.

Nguyên tắc đầu tiên là ưu tiên đọc review xấu nhất trước (đọc từ 1 * lên tới 2*, 3*, 4*, 5*). Tìm hiểu lý do tại sao khách hàng để lại review xấu, nó có xuất phát từ chất lượng sản phẩm hay không?

Bạn nên loại trừ các review xấu xuất phát từ vấn đề vận chuyển hàng hóa (lỗi không phải từ sản phẩm).

Tuy nhiên, bạn cũng đừng kỳ vọng sự hoàn hảo quá mức. Một chiếc váy đẹp bán ra 2000 chiếc sẽ không tránh khỏi 1, 2 review xấu (không ai “hoàn hảo mười phân vẹn mười”, chưa kể đến có trường hợp cố tình “chơi xấu” để lại review không hài lòng).

Bạn nên đọc review xấu dưới một con mắt khách quan nhất để có thể hiểu rõ nhất về sản phẩm bạn định mua.

Nguyên tắc tiếp theo là ưu tiên xem các review có kèm video/ảnh và tìm các video/ảnh khách hàng chia sẻ ảnh chụp thật của sản phẩm.

Ví dụ một chiếc váy trên ảnh shop đẹp long lanh do được người mẫu mặc (người mẫu mặc đẹp chứ phần lớn chúng ta đâu thể đẹp như mẫu), chưa kể đến đã được shop “chỉnh sửa ảnh” nhiệt tình. Để có cái nhìn chân thực nhất về độ đẹp của chiếc váy, hãy tìm hình ảnh thật được người mua chia sẻ.

Bạn cũng nên quan tâm đến một số review có liên quan khác như: váy này form to hay bé, chất liệu vải như thế nào (mềm hay cứng, dày hay mỏng, …).

Nguyên tắc thứ ba là khi đọc review bạn nên quan tâm một chút đến sự phản hồi của shop. Một shop uy tín, chăm sóc khách hàng tốt, xử lý “khủng hoảng truyền thông” tốt sẽ đáp lại những lời nhận xét “gay gắt” từ phía người mua một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và lịch sự. Không biết mọi người thế nào nhưng cá nhân mình sẽ “tránh xa” các shop bán hàng có lời lẽ đối đáp với khách hàng không đúng chừng mực. Đó là dấu hiệu của một chiếc shop thiếu uy tín và không nên gửi gắm “niềm tin mua hàng”.

3. Bí quyết #3 – Chọn shop

Bí quyết mua hàng trên Shopee
Chọn shop

Trước đây mình đã có một thời gian bán hàng trên Shopee (tất nhiên mình chỉ buôn bán kiểu “nhỏ lẻ” kiếm thêm thôi chứ không làm chuyên nghiệp). Mình biết rằng để đạt được các danh hiệu như “Shop Mall”, “Shop Yêu thích +”, “Shop Yêu thích” là một nỗ lực rất lớn từ người bán hàng. Shopee có một danh mục các bộ chỉ tiêu mà các shop phải đáp ứng bao gồm: tỷ lệ đánh giá tốt, tỷ lệ phản hồi khách hàng, số lượng hàng bán ra, thời gian chuẩn bị hàng, …

Vì vậy, không có lý do gì mà bạn không gửi gắm niềm tin yêu nơi các Shop mà độ uy tín “đã được chứng nhận bởi Shopee” cả.

Tất nhiên, “Shop Mall” có thể là một lựa chọn an toàn cho bạn nhưng ở một số trường hợp mua hàng tại “Shop Mall” dù uy tín nhưng giá lại cao hơn. Trường hợp này bạn có thể cân nhắc sang “Shop Yêu thích +” hoặc “Shop Yêu thích”.

4. Bí quyết #4 – So sánh giá trên Google và tìm review sản phẩm trên Google/Youtube

Bí quyết mua hàng trên Shopee
So sánh giá trên Google và tìm review sản phẩm trên Google/Youtube

Bí quyết này mình không khuyến khích bạn làm với các sản phẩm có giá trị quá thấp (cỡ vài chục nghìn hay 100, 200 nghìn) bởi vì nó khá tốn thời gian (nếu bạn “tỷ phú” thời gian bạn có thể cân nhắc). Mình luôn nhắc nhở mọi người cần phải quý trọng thời gian của mình vì “thời gian là tiền bạc”.

Tuy nhiên, với những sản phẩm có giá trị cao và bạn có ý định mua sản phẩm đó trên shopee, đừng bỏ qua bước này nhé.

Ví dụ, mình cần mua một chiếc máy ép hoa quả hiệu A với giá trên shopee là 2 triệu. Ngoài việc so sánh giá tại 3 shop trên Shopee. Mình sẽ bớt chút thời gian so sánh giá trên google (bạn sẽ tìm được giá tại các hệ thống bán lẻ khác như: Tiki, Lazada, Medimart, …).

(mọi người nhớ là giá so sánh phải là giá cuối cùng trả cho người bán chứ không phải giá xuất hiện đầu tiên khi bạn tìm kiếm thông tin sản phẩm nhé)

Tiếp theo hãy tìm review về em nó trên Google/Youtube. Youtube là nơi rất tuyệt để tìm kiếm các review về một sản phẩm nào đó. Hơn nữa bạn cũng có thể tìm được các Video hướng dẫn sử dụng tại đây. Chẳng hạn khi tìm video review và hướng dẫn sử dụng, bạn phát hiện ra rằng chiếc máy ép này quá “cồng kềnh” và vệ sinh rất khó, mất thời gian, bạn có thể nên suy nghĩ lại về quyết định mua sắm của mình.

Ngoài Google, Youtube, bạn còn có thể tận dụng kênh “người quen”. Trong mạng lưới mối quan hệ bạn biết đã ai sử dụng sản phẩm này chưa? Cảm nhận của họ thế nào? Rất đơn giản bạn chỉ cần post bài hỏi trên facebook cá nhân hoặc một nhóm quen nào đó của bạn. Bạn sẽ rất bất ngờ khi nhận được nhiều phản hồi cực kỳ khách quan, “có tâm” từ mọi người đó.

5. Bí quyết #5 – “Chờ đợi là hạnh phúc”

Bí quyết mua hàng trên Shopee
“Chờ đợi là hạnh phúc”

Bạn có biết rằng Shopee rất hay sale vào các ngày đẹp như: “1/1”, “2/2”, “3/3”, … Sale vào dịp “Black Friday”, sale dịp giữa tháng và cuối tháng, …?

Thay vì cố mua sắm vào thời điểm không có sale, chẳng có mã giảm giá, hoàn xu, chẳng có mã freeship, hãy áp dụng nguyên tắc “chờ đợi là hạnh phúc”.

Đôi khi chờ thêm vài ngày mà lại được giảm giá tiền trăm nghìn hay tiền triệu (tùy sản phẩm bạn mua), đó chẳng phải là một điều quá tốt?

Hoặc bạn có thể thử nghiên cứu qua khung giờ flash sale của Shopee. Shopee thường có các khung giờ flash sale diễn ra 3 tiếng/lần. Khi mua sản phẩm vào khung giờ này bạn có thể được giảm thêm một chút. Lưu ý rằng không phải sản phẩm nào của shop cũng tham gia chương trình flash sale theo khung giờ của Shopee. Để chắc chắn về điều này bạn có thể chat hỏi shop hoặc có thể tìm thấy thông tin “nhắc nhở” từ Shopee ngay dưới giá bán của sản phẩm: “Chờ giá xxx vào lúc …” và việc của bạn chỉ là chọn “nhắc nhở tôi” và quay trở lại mua vào thời điểm đó.

Vào các khung giờ flash sale bạn cũng có thể săn các deal 1k – 9k – 99k – … Nhưng cũng đừng vì “ham rẻ” mà bỏ quá nhiều thời gian “săn deal”, bạn có thể mất thời gian và các sản phẩm săn deal đó đôi khi bạn không thực sự cần đến.

Ngoài chương trình sale chung của Shopee (ngày sale hay flash sale theo khung giờ), bản thân các shop cũng có flash sale của shop và chạy cả mã giảm giá riêng của shop. Bạn sẽ nhìn thấy thông tin này khi mua hàng hoặc nếu không rõ đừng ngại inbox hỏi thêm shop.

6. Bí quyết #6 – Thử trả giá

Bí quyết mua hàng trên Shopee
Thử trả giá

“Sẽ không ai chấp nhận giảm giá cho bạn trừ khi bạn yêu cầu”.

Tất nhiên mình cũng không khuyến khích mọi người trả giá với các sản phẩm có giá trị quá nhỏ (cỡ vài chục nghìn hay 100, 200 nghìn). Tuy nhiên, nếu bạn mua số lượng lớn một chút (như thế nào là lớn thì sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể), đừng ngại bấm chat với shop và đàm phán giá cả.

Trong trường hợp “xấu nhất”, shop không đồng ý giảm giá, bạn cũng chẳng mất gì. Còn cũng có nhiều trường hợp may mắn, bạn sẽ mua được với giá tốt hơn khá nhiều so với giá niêm yết.

Ví dụ như thế này, lớp Cún nhà mình có ý định mua mũ đồng phục, số lượng cần mua là 25 cái, giá niêm yết của shop là 55k/cái. Nhờ bí quyết “thử trả giá”, mình đã mua được 25 cái mũ cho lớp Cún với giá 49k/cái (cũng rất ổn đúng không nào?)

(Lưu ý: thông thường các Shop Mall sẽ khó chấp nhận việc đàm phán giá cả, bạn nên thử với các Shop Yêu thích +, Shop Yêu thích hoặc các Shop thông thường khác, tỷ lệ thành công sẽ “cao hơn”)

7. Bí quyết #7 – Tìm hiểu về chính sách bảo hành, đổi trả và hoàn tiền

Bí quyết mua hàng trên Shopee
Tìm hiểu về chính sách bảo hành, đổi trả và hoàn tiền

Khi mua một số sản phẩm (thông thường là sản phẩm điện tử, gia dụng, …) của hãng, bạn sẽ được hưởng chế độ bảo hành. Đừng ngại bỏ thêm chút thời gian tìm hiểu về chính sách bảo hành của sản phẩm đó tại phần mô tả của sản phẩm (nếu bạn không thấy – hãy chat với shop để hỏi) và xem kỹ hơn về điều kiện được bảo hành (bạn có cần phải giữ lại hóa đơn hay không? Thủ tục cần làm khi có nhu cầu bảo hành là gì? …).

Với chính sách đổi trả và hoàn tiền, để mọi việc diễn ra được trơn tru, đảm bảo quyền lợi của bạn – người mua hàng, mình khuyến khích mọi người nên quay video khi mở hàng – đặc biệt đối với các đơn hàng giá trị cao, hoặc đơn hàng có nhiều sản phẩm, hoặc đơn hàng dễ vỡ, … Việc có trong tay “bằng chứng” sẽ khiến việc khiếu nại (đổi trả/hoàn tiền) của bạn dễ thành công hơn.

Một lưu ý tiếp theo là ngay sau khi nhận hàng, bạn nên kiểm tra hàng và “báo cáo” luôn với shoppee nếu có vấn đề phát sinh (bấm vào nút “yêu cầu trả hàng/hoàn tiền” bên cạnh đơn hàng của bạn). Đừng nhận hàng, vứt xó ở đó, 2 tuần sau mới bóc hàng và phát hiện ra mình bị giao thiếu sản phẩm, lúc này việc xử lý sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

8. Bí quyết #8 – Để lại đánh giá để “nhận xu”

Bí quyết mua hàng trên Shopee
Để lại đánh giá để “nhận xu”

Ở bí quyết #2, mình đã chia sẻ trước khi lựa chọn một sản phẩm để mua, mọi người nên phân tích kỹ phần “review sản phẩm”.

Trường hợp mình đã rất “thành công”, mua được một món hàng chất lượng cao, giá hời và cực kỳ hài lòng với cách chăm sóc khách hàng của shop.

Tại sao mình không giúp shop bán được thêm hàng và giúp các chị em đến sau có cơ hội được đọc những dòng chia sẻ, review sản phẩm cực kỳ có tâm, giúp mọi người có thể mua hàng chính xác, hiệu quả hơn?

Tất nhiên bạn không làm điều đó một cách “miễn phí”. Để lại review, bạn sẽ được nhận xu (“xu” chính là tiền được cộng vào tài khoản mua sắm “shopee pay” của bạn và được sử dụng cho lần mua sắm sau).

Win – win đúng không nào?

9. Bí quyết #9 – Đừng bao giờ mua hàng nguyên giá và không được freeship trên Shopee

Bí quyết mua hàng trên Shopee
Đừng bao giờ mua hàng nguyên giá và không được freeship trên Shopee

Shopee thường xuyên có các mã giảm giá, mã freeship. Việc của bạn là tìm được nó, chờ đợi để có nó thay vì chấp nhận trả tiền ship hay mua hàng nguyên giá.  

Hãy kiểm tra lại tất cả các mã giảm giá, mã hoàn xu và mã freeship, đảm bảo tất cả đã được áp dụng đầy đủ, bạn đã được hưởng mức giá tốt nhất có thể trước khi bấm mua hàng và thanh toán nhé.

Hy vọng với 9 bí quyết mua hàng Shopee này của mình, chị em đã có thể tự tin mua hàng trên Shopee.

Ngoài ra, các chị em có thể tham gia group facebook Money Mom Sharing – Tài chính cá nhân cho mẹ Việt để chia sẻ và cùng nhau tham gia nhiều thử thách thú vị, học hỏi thêm nhiều bí quyết chi tiêu hiệu quả hơn nhé. Link tham gia mình để tại đây nhé!

Share bài viết cho các chị em khác cùng đọc nhé.

Nếu còn bất kỳ điều gì thắc mắc hay trao đổi thêm, chị em có thể để lại comment để mình cùng nhau chia sẻ.

Đừng quên đăng ký Email để nhận được bản tin hàng tuần miễn phí về tài chính cá nhân dành riêng cho phụ nữ của MMS nhé!

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đọc thêm câu chuyện về Founder tại đây

Money Mom Sharing là kênh chia sẻ về tài chính cá nhân dành riêng cho phụ nữ được sáng lập bởi Lê Phương Thanh - chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận của NFEC Hoa Kỳ.

Sách Tài chính cá nhân
cho Mẹ Việt

"Tài chính cá nhân cho mẹ Việt" là quyển sách tài chính cá nhân thuần Việt đầu tiên viết dành tặng riêng cho phụ nữ, là quyển sách đầu tay chứa đựng nhiều tâm huyết của tác giả Lê Phương Thanh. Sách giúp nhiều phụ nữ Việt đã và sẽ làm mẹ có thể tự tin, độc lập về tài chính.

Tải ebook quản lý tài chính
miễn phí

Tải công cụ quản lý tài chính

Bài viết mới nhất

Đăng ký email

Để lại email để đọc bản tin hàng tuần của MMS (miễn phí – giá trị & tuyệt đối không spam) bạn nhé!

Bạn đã tải file thử thách 21 ngày detox tài chính cá nhân và hình thành thói quen tiết kiệm chưa?

miễn phí

Hiệu quả của Thử thách đã được chứng minh bởi rất nhiều chị em phụ nữ!